Ngân hàng đẩy mạnh tiềm lực tài chính, tăng tốc lên sàn chứng khoán
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu "vua" đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ các thông tin chuyển thị trường, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược tung ra liên tục. Theo đó, giá cổ phiếu ngân hàng lại tăng khá nhanh với thanh khoản lớn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, đồng thời tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu.
Trong khi đó, việc các ngân hàng liên tục lên thị trường sẽ tạo nên thông tin tích cực cho nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này. Trên thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng trong nhóm cổ phiếu được săn đón nhưng các tổ chức và các quĩ lớn chưa thêm vào danh mục đầu tư được do chưa niêm yết chính thức.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hai ngân hàng chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM. Đầu tiên là 317,1 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 9/7/2020 và sau đó là 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) được giao dịch trên UPCoM từ ngày 27/7/2020.
Gần đây nhất, Trung tâm Lưu kí chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo hơn 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank đã đăng kí tại VSD, với mã chứng khoán là NAB. Tổng giá trị chứng khoán đăng kí tương đương hơn 3.890 tỉ đồng.
Ở góc độ ngân hàng, lí giải cho việc chọn thời điểm này lên thị trường chứng khoán, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết việc đăng kí giao dịch trên thị trường UPCoM của Nam A Bank nhằm tăng tính minh bạch và tuân thủ qui định tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt.
Ông Trần Ngọc Tâm cho biết thêm việc chọn thị trường UPCoM thay vì lên thẳng sàn HOSE giúp ngân hàng có thời gian để cọ xát với thị trường trước khi niêm yết chính thức và đó cũng là mong muốn của cổ đông. Thêm nữa, việc giao dịch trên thị trường UPCoM cũng giúp cổ phiếu NAB tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
Ngoài việc chuẩn bị lên UPCoM, ngày 1/9/2020 vừa qua, Nam A Bank thông báo thay đổi vốn điều lệ từ 3.890 tỉ đồng lên mức hơn 4.564 tỉ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Song song đó, trong những tháng cuối năm 2020 này, Nam A Bank cũng sẽ hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỉ đồng thông qua hai phương án là phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỉ đồng) để chi trả cổ tức với tỉ lệ 12,4878% và thông qua chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỉ đồng).
Trong tình hình dịch toàn nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc tăng vốn liên tục ngoài việc giúp các ngân hàng tăng "đệm" thanh khoản, còn giúp các nhà băng này ứng phó với rủi ro tốt hơn.
Có nhiều lí do để ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của ngân hàng, tuy nhiên, kì vọng tăng trưởng dựa vào tiềm lực thật sự của ngân hàng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Một ngân hàng kinh doanh có hiệu quả, "sức khỏe" thật sự tốt, lợi nhuận tăng trưởng liên tục, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, sẽ luôn ẩn chứa nhiều cơ hội để giá cổ phiếu của ngân hàng đó tăng giá.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Nam A Bank những năm gần đây, cũng có thể thấy được sự bứt phá ngoạn mục trong tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.
Nhất là trong giai đoạn 2017 - 2019, lợi nhuận trước thuế năm 2017 gấp 6,7 lần năm 2016, tăng vọt từ 45 tỉ đồng lên 301 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế năm 2018 gấp 2,5 lần năm 2017, tăng lên mức 743 tỉ đồng và đến năm 2019 ghi nhận 925 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm từ 2016-2019, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đã tăng 20,5 lần.
Ngoài ra, những năm gần đây Nam A Bank liên tục ghi dấu ấn bởi những bước chuyển minh mạnh mẽ. Chỉ trong năm 2019, Nam A Bank đã hoàn thành chiến lược mở mới 35 đơn vị kinh doanh và năm 2020, Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tiếp tục mở rộng thêm 5 chi nhánh, bên cạnh đang xin phép tiếp để mở mới thêm ở nhiều tỉnh thành khác.
Trên chặng đường 28 năm hình thành và phát triển, Nam A Bank đã "phủ sóng" mạng lưới với gần 110 điểm kinh doanh tại các tỉnh thành trọng điểm, tổng tài sản đạt hơn 100.000 tỉ đồng… với chất lượng tài sản tốt, sở hữu nhiều điểm kinh doanh từ Hội sở đến Chi nhánh đều ở vị trí đắc địa, giá trị tài sản liên tục gia tăng.
Bên cạnh đó, tất cả điểm kinh doanh Nam A Bank đều được thiết kế sang trọng, cơ sở vật chất hiện đại theo chuẩn nhận diện nhất quán.
Đặc biệt, Nam A Bank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc đua "số hóa", trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu thị phần công nghệ ngân hàng với dấu ấn là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch cùng nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.
Nam A Bank sẽ chính thức giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ ngày 9/10/2020.
Thứ Sáu (9/10/2020) tới đây, tại Hà Nội, Nam A Bank sẽ chính thức giao dịch hơn 389 triệu cổ phiếu trên thị trường UPCoM. Như vậy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Nam A Bank là ngân hàng thứ ba giao dịch trên thị trường UPCoM sau BVB và Saigonbank.
Tính đến nay, toàn thị trường có 10 ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE (BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB); ba ngân hàng niêm yết trên sàn HNX (ACB, SHB, NVB) và 7 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB, VBB, BVB, SGB). Riêng ACB và SHB đã thông qua kế hoạch chuyển sang HOSE trong năm 2020.