Ngân hàng chạy đua chiếm thị phần thanh toán
Bùng nổ thanh toán qua ngân hàng
Để giảm phụ thuộc doanh thu vào tín dụng, các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng thanh toán.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) cho hay, năm 2016, doanh số thanh toán thẻ của VCB tăng vọt, với số lượng thẻ quốc tế tăng 28,7%, thẻ nội địa tăng 58%; doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế và thẻ ghi nợ quốc tế tăng tương ứng 23,9% và 36,0% so với năm 2015.
Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là cơ hội vàng để các ngân hàng tăng trưởng mạnh mảng dịch vụ
Tại Ngân hàng Agribank, theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, trong năm qua, số lượng thẻ và khách hàng thanh toán của ngân hàng này cũng tăng mạnh. Số lượng tài khoản thanh toán của Agribank hiện đạt trên 9,5 triệu tài khoản, tăng hơn 700.000 tài khoản. Số lượng thẻ đang hoạt động tăng 22% so với đầu năm.
Nắm bắt được xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng cũng như chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã chạy đua đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, như dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán trực tuyến… Nổi bật trong số các ngân hàng có dịch vụ năng động, tiện ích là TPBank, VIB, Sacombank, BIDV, SHB, VCB, VietinBank...
Nếu như trước đây, chủ thẻ dùng ATM như một chiếc ví di động, chủ yếu để rút tiền thì thời gian gần đây, việc thanh toán qua thẻ đã tăng mạnh. Theo thống kê của CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2016, tổng giá trị giao dịch của các ngân hàng thực hiện qua hệ thống NAPAS tăng gần 50% so với năm 2015, đạt 320.000 tỷ đồng, trong khi tỷ trọng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống NAPAS giảm 12,5% so với năm 2015.
Hiện tại, trong số các ngân hàng Việt Nam, VCB là ngân hàng có tổng doanh số dịch vụ thực hiện qua hệ thống NAPAS lớn nhất (65.300 tỷ đồng), chiếm 21% thị phần. Tiếp theo, BIDV có tổng doanh số dịch vụ thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 38.400 tỷ đồng, chiếm 12,3% thị phần. Agribank có tổng doanh số dịch vụ thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 34.300 tỷ đồng, chiếm 11% thị phần. VietinBank có tổng doanh số dịch vụ thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt 33.800 tỷ đồng, chiếm 10,8% thị phần...
Cơ hội vàng để tăng thu dịch vụ
Việc chạy đua phát triển mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán của các ngân hàng thời gian qua không phải là không có lý do. Cuối năm 2016, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Theo mục tiêu Đề án đặt ra, tới đây, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP VietinBank nhận định, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là cơ hội vàng để các ngân hàng tăng trưởng mạnh mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ thẻ. Đây cũng là dư địa tăng trưởng bán lẻ của các ngân hàng trong những năm tới. Mục tiêu mà VietinBank đặt ra trong năm 2017 là nâng tỷ trọng thu phí dịch vụ trên tổng lợi nhuận lên 20%.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn về tăng doanh thu, sự bùng nổ về thanh toán không dùng tiền mặt cũng khiến các ngân hàng đứng trước những thách thức về an toàn, bảo mật. Trong cuộc chiến giành thị phần, những ngân hàng có nhiều tiện ích, công nghệ vượt trội và chăm sóc khách hàng tốt, biết bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sẽ giành được lợi thế.