|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng 'bơm' 550.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay 9 tháng qua

22:32 | 19/10/2017
Chia sẻ
Qua chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017, trong 9 tháng qua, ngành ngân hàng đã giải ngân cho doanh nghiệp vay 550.000 tỷ đồng.

Hôm nay (19/10), tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2017” dưới sự chủ trù của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành.

ngan hang bom 550000 ty dong cho doanh nghiep vay 9 thang qua

9 tháng, giải ngân cho doanh nghiệp vay 550.000 tỷ đồng

NHNN đánh giá Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được khởi đầu từ TP. Hồ Chí Minh tháng 7/2012. Đến nay, Chương trình đã được nhân rộng triển khai trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Thông qua việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng đã góp phần đưa tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và kết quả 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây.

Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với 31/12/2016. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm: Tính đến cuối năm 2016 đã có gần 700 Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và các cấp chính quyền với doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố của cả nước góp phần đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay mới phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Các ngân hàng cũng thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ của khách hàng,… với dư nợ khoảng 88.000 tỷ đồng.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng, và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn

Tuy nhiên, nhìn lại thực tiễn triển khai Chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, bên cạnh kết quả, vẫn còn nhiều khó khăn. Theo NHNNN, đó là do

một số doanh nghiệp chưa quan tâm tích cực tham gia Chương trình mặc dù gắn với quyền lợi của mình.

Một số chính quyền địa phương, sở, ban, ngành cũng còn thiếu quan tâm, phối hợp, chưa kịp thời xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh như: chính sách đất đai, thuế,...

Cũng theo ông Tú, khó khăn nữa là xuất phát từ thực tế hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính còn hạn chế, chưa đáp ứng dược điều kiện về vốn tự có, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đồng bộ như chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, đầu ra của đồng vốn thì cho thấy hiệu quả đầu tư tín dụng đối với các doanh nghiệp chưa cao do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tiến độ xử lý nợ xấu chậm, việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi doanh nghiệp không trả được nợ vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do: Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ, thu hồi nợ xấu đặc biệt là trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn bất cập nên các ngân hàng có tâm lý thận trọng hơn khi cho vay.

Trước thực trạng này, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khuyến nghị, để tiếp cận tín dụng nhiều và hiệu quả hơn, phía doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao trình độ quản lý, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tích lũy vốn.

Đồng thời, ông Tần cũng lưu ý doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; Tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.