|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngăn chặn hàng hóa có nội dung 'đường lưỡi bò'

07:40 | 25/11/2019
Chia sẻ
Một số loại hàng hóa có hình ảnh hoặc mang nội dung bản đồ “đường lưỡi bò” đã được nhập khẩu và phát tán tại VN khiến người dùng phẫn nộ.
avatar_1574640145721

Đoàn kiểm tra liên ngành tại Hà Nội thu giữ đồ chơi có gắn "đường lưỡi bò" ngày 18.11. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Từ đồ chơi đến ô tô, phim ảnh…

Bộ Công thương cần phải có ngay văn bản pháp quy về vấn đề này để ngăn chặn triệt để và xử lý hàng hóa vi phạm với “đường lưỡi bò” xuất hiện tại thị trường VN. Bởi đây là hành vi nghiêm trọng nên không chỉ kêu gọi hay khuyến cáo chung chung.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Mới nhất vào ngày 18.11, Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa kinh doanh đồ chơi lắp ghép hình bản đồ tại Q.Hà Đông (Hà Nội). 

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại cơ sở này có 10 hộp đồ chơi lắp ghép hình bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” trên vỏ hộp và trong hình lắp ghép, vi phạm chủ quyền biển đảo của VN. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, xử lý.

Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện đồ chơi trẻ em có hình “đường lưỡi bò”. Tháng 8.2018, Báo Thanh Niên cũng đã phản ánh đồ chơi “Bản đồ cắm cờ thế giới” thể hiện “đường lưỡi bò” ở khu vực Biển Đông. 

Không những vậy, bản đồ còn thể hiện Biển Đông là “Nam hải” theo cách gọi của Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa của VN cũng bị thể hiện dưới cái tên “Nam sa quần đảo” - tên gọi phi pháp do Trung Quốc đặt ra.

Vào ngày 6.11 vừa qua, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, Cục Hải quan Hải Phòng cũng phát hiện 7 chiếc ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có cài phần mềm định vị chứa bản đồ có hình ảnh giống “đường lưỡi bò”. 

Những chiếc ô tô kể trên được nhập khẩu bởi Công ty TNHH ô tô Hoa Mai (H.An Lão, TP.Hải Phòng). 

Đầu tháng 11, cơ quan chức năng đã phát hiện chiếc ô tô hiệu Volkswagen Touareg CR745J do Công ty TNHH ô tô Thế giới thuê từ đối tác Volkswagen Group Import Company Limited (Trung Quốc) để dự Triển lãm ô tô VN 2019 tại TP.HCM cũng có bản đồ “đường lưỡi bò” trong ứng dụng dẫn đường. 

Đến ngày 9.11, Tập đoàn điện lực VN cũng phát đi cảnh báo cho biết, thị trường khu vực miền Nam vừa xuất hiện loại thiết bị biến đổi điện mặt trời (Inverter) xuất xứ nước ngoài có ứng dụng phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, có chứa hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò”.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nhận định đây có thể là chủ ý của phía các đơn vị sản xuất hàng Trung Quốc. 

Họ có thể cài cắm “đường lưỡi bò” vào bất kỳ hàng hóa nào, từ đồ chơi đến hàng tiêu dùng, văn hóa phẩm... 

Hơn nữa, hiện nay hàng từ Trung Quốc vào VN không chỉ qua đường nhập khẩu chính thức mà còn thông qua đường du lịch, hàng xách tay, hàng tiểu ngạch đường biên. 

Vì vậy, trước nhất các đơn vị quản lý đường biên giới như hải quan phải siết chặt kiểm tra để ngăn chặn hàng hóa vi phạm này tràn vào lãnh thổ VN.

Ngăn chặn hàng hóa có nội dung 'đường lưỡi bò' - Ảnh 3.

Đồ chơi “Bản đồ cắm cờ thế giới” thể hiện “đường lưỡi bò” bị phát hiện vào tháng 8.2018. Ảnh: Bích Chiêu

Tăng chế tài để ngăn chặn

Trong hai ngày 20 - 21.11, cộng đồng người dùng cũng phản ánh ứng dụng (app) gọi xe công nghệ Go-Viet không thể gõ được tên đường Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau đó đại diện công ty này đã lên tiếng giải thích chỉ là sự cố do nâng cấp phần mềm. Nhưng trong ngày 22.11, nhiều khách hàng phát hiện không chỉ chữ Hoàng Sa, Trường Sa bị mã hóa sao (*) trong ứng dụng "chat" với tài xế, mà 2 quần đảo này cũng biến mất trên bản đồ của app Go-Viet.

Trong thông báo của Cục Xuất nhập khẩu đưa lên trên website của Bộ Công thương ngày 20.11, nêu rõ việc nhập khẩu hàng hóa có hình ảnh “đường lưỡi bò” là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật hiện hành do xuyên tạc sự thật lịch sử, thể hiện không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. 

Các doanh nghiệp (DN) vi phạm hiện đang bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Để đảm bảo không xảy ra các trường hợp tương tự, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các DN cần rà soát các hợp đồng, văn bản pháp lý giao kết với đối tác bán hàng nước ngoài để đảm bảo hàng hóa nhập khẩu không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của VN. 

Đối với các mặt hàng có nguy cơ cao như ấn phẩm, bản đồ, địa cầu, thiết bị hiển thị, thiết bị sử dụng phần mềm, DN cần đề nghị người bán có văn bản cam kết không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của VN...

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, sự việc các sản phẩm có bản đồ “đường lưỡi bò” đang luồn lách vào VN cho thấy cơ chế kiểm soát lỏng lẻo trong khâu nhập khẩu, sản xuất và tuồn ra thị trường. 

Những bê bối đó đặt ra yêu cầu cần có một giải pháp căn cơ ngăn chặn các sản phẩm có “đường lưỡi bò” không vào được biên giới, thay vì bán ra thị trường rồi mới tịch thu, xử phạt như hiện nay. 

“Bộ Công thương cần phải có ngay văn bản pháp quy về vấn đề này để ngăn chặn triệt để và xử lý hàng hóa vi phạm với “đường lưỡi bò” xuất hiện tại thị trường VN. Bởi đây là hành vi nghiêm trọng nên không chỉ kêu gọi hay khuyến cáo chung chung. Trong văn bản đó phải đưa ra quy trình xử phạt các đơn vị vi phạm. 

Ngoài việc bị tịch thu hàng hóa, tiêu hủy thì nếu đơn vị nào tái phạm sẽ bị ngưng hoạt động. Thậm chí tùy theo số lượng hàng hóa nếu phát tán trên diện rộng sẽ có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng các DN khi có hoạt động kinh doanh, làm ăn với đối tác Trung Quốc phải nâng cao cảnh giác hơn nữa. 

Phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tăng cường biện pháp kiểm tra ngay từ cửa khẩu. 

Đặc biệt, phải có chế tài xử phạt nặng hơn. Thời gian qua chủ yếu là tịch thu hàng hóa vi phạm để tiêu hủy nên có thể chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để. 

Phải tiến đến việc rút giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc vĩnh viễn tùy theo hình thức vi phạm để buộc các DN phải thận trọng trong hoạt động của mình.

Mai Phương