Ngậm ngùi bán trường vì hết vốn
Với giá thuê nhà lên đến trên dưới 100 triệu đồng/tháng, nhiều chủ trường khóc dở mếu dở vì dịch Covid-19.
Không chịu nổi tiền thuê mặt bằng
Không khó khăn gì để tìm kiếm thông tin sang nhượng trường mầm non tư thục những ngày này. Trên một trang web chuyên về tư vấn trường mầm non, có thể thấy hàng loạt thông tin sang nhượng các trường tư thục ở Hà Nội.
Không thể xác định được tương lai khi hằng tháng phải chịu tiền thuê nhà lên đến gần 140 triệu đồng, chủ một trường mầm non tại quận Cầu Giấy đành quyết định sang nhượng lại trường.
Vốn là một nhà biệt thự 4 tầng, tổng diện tích sử dụng 2.000 m2, sân chơi ngoài trời 400 m2, trường đóng tại khu dân cư đông đúc, dân trí cao, thu nhập tốt, nhiều trẻ con, đi lại thuận tiện, an ninh tốt.
Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động, mới có 30 học sinh, hằng tháng trường phải bù lỗ chi phí hoạt động khoảng 100 triệu, lại gặp thêm dịch Covid-19 học sinh nghỉ dài ngày nên chủ trường không thể gắng gượng được.
Dịch Covid-19 kéo dài gây khó khăn chồng chất cho các trường mầm non tư thục
Chủ một trường mầm non khác đang có 70 học sinh tại quận Đống Đa, cũng phải rao bán trường vì khó khăn chồng chất. Giá thuê nhà (biệt thự 4 tầng, tổng diện tích sử dụng 450 m2) là 33 triệu đồng/tháng, cộng thêm nhiều khoản chi phí khác khiến chủ trường điêu đứng, buộc phải đăng tin rao bán.
Bà Phạm Mai Chi, hiệu trưởng một trường mầm non đóng tại quận Tây Hồ, chia sẻ do không chịu áp lực thuê mặt bằng nên trường của bà mới trụ được đến thời điểm này. Nhiều chủ trường buộc phải bán trường với giá rẻ, thanh lý thiết bị dạy học vì không để tìm được lối ra.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn quốc có 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục. Đây là những cơ sở có quy mô dưới 70 học sinh, chủ trường hầu hết là những nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, chi phí hoạt động chủ yếu trông chờ vào nguồn học phí.
Nhiều cơ sở phải vay tiền ngân hàng để hoạt động. Việc không có nguồn thu học phí trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, tiền lương giáo viên, trả nợ ngân hàng đang đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt về tài chính.
Đề xuất ưu đãi tín dụng cho trường ngoài công lập
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành giáo dục, đặc biệt là gây nhiều khó khăn cho các trường ngoài công lập.
Thống kê cho thấy chi phí lương cho 103.863 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỉ đồng/tháng, chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng từ 450-500 tỉ đồng/tháng.
Đó là chưa kể đến các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.
Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Cụ thể như miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán, nộp các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và II/2020.
Xem xét trợ cấp, miễn BHXH, BHYT, thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II/2020.
Ngoài ra, bộ cũng đề xuất gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và lương để người lao động yên tâm công tác; xem xét hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh…
Theo ông Thưởng, Chính phủ đã có những chỉ đạo về các gói hỗ trợ cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành giáo dục cũng sẽ được xem xét, tính toán trong các gói hỗ trợ này.
Cụ thể, trong 3 tháng, từ tháng 4 đến 6, hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động; 1.000.000 đồng/người/tháng cho người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không có hợp đồng.
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động…