|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nga tăng cường mua vàng thu hút sự chú ý của phương Tây

07:04 | 17/08/2016
Chia sẻ
Theo một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong nửa đầu 2016, Ngân hàng Trung ương Nga mua vào khoảng 14 tấn vàng/tháng - cao hơn mức mua vào 11 tấn vàng/tháng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc và các nước lớn khác trên thế giới.

Cũng theo IMF, lượng mua vàng của Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chiếm gần 85% lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua trong 2 năm qua. Chỉ trong quí 1-2016, theo Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng của Nga đã tăng thêm 45,8 tấn - cao hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, dự trữ vàng của Nga lên đến gần 1.500 tấn. Với nỗ lực mua vàng từ năm 2015, Nga đã vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng chủ sở hữu vàng lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ (8.134 tấn), Đức (3.380 tấn), IMF (2.814 tấn), Ý (2.452 tấn), Pháp (2.436 tấn) và Trung Quốc (khoảng 1.700 tấn).

Giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ

Động thái của Ngân hàng trung ương Nga được đưa ra trong bối cảnh tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này suy giảm liên tục kể từ quí 1-2015 do tác động của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Năm 20014, Nga từng rót hàng chục tỉ đô la Mỹ nhằm ngăn chặn đà giảm giá của đồng rúp nhưng hiệu quả không cao. Thời gian gần đây, Nga không còn chi tiền để bình ổn đồng rúp nữa mà thay vào đó là dành dụm để tăng dự trữ quốc gia, trong đó có việc mua vàng.

Theo trang thông tin tài chính MarketWatch, Nga mua vàng là cách để giảm sự phụ thuộc vào đô la Mỹ và để cảm thấy an toàn hơn khi có nhiều khoản nợ tính bằng đô la Mỹ. Bên cạnh đó, việc bổ sung dự trữ vàng có thể do bất mãn với lợi nhuận thấp hoặc lãi âm từ tiết kiệm bằng đồng euro.

nga tang cuong mua vang thu hut su chu y cua phuong tay
Nga tăng cường mua vàng có thể nhằm thu hút sự chú ý của phương Tây.

Tăng cường vị thế của Nga?

Việc Nga âm thầm mua lượng vàng lớn thời gian gần đây thu hút sự chú ý của giới quan sát và các nước phương Tây. Một số nhà phân tích cho rằng chính sách nhất quán của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhằm nâng tầm vị thế của Nga và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài thống trị thế giới của ông Putin.

Trong 2 năm gần đây, ông Putin đã có hàng loạt quyết định đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ mang tính lịch sử, từ đầu tư cho cuộc không kích có giới hạn tại Syria đến những dự án dầu khí kéo dài vài chục năm, đã giúp thay đổi cục diện cũng như vị thế của Nga.

Cuối năm 2014, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Nga và Trung Quốc đã ký 38 thỏa thuận quan trọng từ khí đốt đến tài chính, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa nhân dân tệ và đồng rúp trị giá 24,5 tỉ đô la Mỹ nhằm hạn chế phụ thuộc vào đô la Mỹ. Đến cuối năm 2015, nhân dân tệ được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR. Cũng trong năm 2014, ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thỏa thuận mua bán ký đốt lịch sử trị giá 400 tỉ đô la Mỹ. Nga đầu tư hệ thống đường ống "Sức mạnh Siberia" để hàng năm dẫn 38 tỉ mét khối khí sang bán cho Trung Quốc.

Theo ước tính của Reuters, chiến dịch không kích kéo dài gần 6 tháng (từ tháng 9-2015) tại Syria đã tiêu tốn của Nga khoảng 700-800 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây là thắng lợi lớn của ông Putin. Chỉ khoảng 1 tháng sau chiến dịch, giá dầu thế giới đã tăng 12% lên hơn 50 đô la Mỹ/thùng, giúp nền kinh tế Nga bớt khủng hoảng. Trong vòng 6 tháng, vị thế của Nga đã thay đổi, từ chỗ điêu đứng về kinh tế và bị phương Tây ghẻ lạnh trở thành một bên đối thoại thường xuyên của cả Mỹ và EU.

Năm 2015, Nga và Hy Lạp cũng đã có những thỏa thuận ban đầu về việc cung cấp tài chính cho dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp với chi phí hạ tầng ước khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Sau khi ra đòn nặng tay với Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây, ông Putin bắt tay trở lại với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Rediep Tayip Erdogan trong những dự án kinh tế lớn, hứa hẹn vị thế mới của Nga tại một nước nằm trong lòng châu Âu.

Với sự bắt tay trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ và những tính toán với Hy Lạp, Nga dường như muốn cho EU thấy sức mạnh của Nga và khiến nội bộ EU chia rẽ vì quyền lợi. Sau khi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đi vào hoạt động, Ukraine sẽ mất đi vị trí nhà phân phối (trung gian) khí đốt vào châu Âu, khi đó sự phụ thuộc của EU vào tập đoàn Gazprom (Nga) sẽ gia tăng. Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao EU cho hay dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" khiến EU "đứng ngồi không yên".