Nếu nhiễm virus cúm, quyền lợi của khách mua bảo hiểm có được đảm bảo?
“Văn bản không có giá trị pháp lý”!
“Mấy ngày qua, nhiều đại lý bảo hiểm đưa lên mạng xã hội văn bản do công ty bảo hiểm phát hành (thông báo của phòng nghiệp vụ bảo hiểm, khách hàng, không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật - PV) với nội dung khẳng định sẽ chi trả bảo hiểm cho khách hàng bị nhiễm virus 2019 nCoV.
Điều này cho thấy sự quan tâm của các hãng bảo hiểm với khách hàng. Tuy nhiên, các văn bản trên đều không có giá trị pháp lý”, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng cho biết.
Ông Hùng phân tích thêm, các văn bản như trên không thể coi là một phần bổ sung của hợp đồng bảo hiểm đã hoặc sẽ giao kết với khách hàng, cũng không có giá trị như một hành vi pháp lý đơn phương tuyên bố về một nghĩa vụ dân sự của công ty bảo hiểm.
Bà Hồ Thị Ngọc Như, một đại lý bảo hiểm nhân thọ cũng nhìn nhận, văn bản này không có giá trị gì với bên mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực hơn, có ý kiến cho rằng, nếu hợp đồng bảo hiểm ký trước đó không có điều khoản loại trừ bệnh dịch thì việc ban hành văn bản nội bộ này như là một sự khẳng định lại của công ty bảo hiểm với đại lý và tư vấn viên về việc sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng nếu chẳng may mắc phải virus Corona.
Do vậy, thông báo này không cần chữ ký của người đại diện theo pháp luật, trừ khi là bổ sung điều khoản hay thay đổi hợp đồng.
Sở dĩ có những băn khoăn về quyền lợi bảo hiểm là bởi, trong hầu hết các loại hình bảo hiểm sức khỏe, nhà bảo hiểm sẽ không bồi thường (điều khoản loại trừ) khi mắc dịch bệnh đã được công bố.
Quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo?
“Sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, nghĩa là bối cảnh đã rõ ràng, sẽ có hai xu hướng: Một là, doanh nghiệp bảo hiểm tuyên bố không đảm bảo cho bệnh dịch (chẳng hạn, AIG đối với đơn bảo hiểm du lịch toàn cầu);
Hai là, doanh nghiệp bảo hiểm tuyên bố vẫn đảm bảo, lúc này tuyên bố đó có ý nghĩa như một lời giải thích điều khoản hợp đồng cho khách hàng sắp mua bảo hiểm và khẳng định thực hiện nghĩa vụ như cam kết với các hợp đồng đã ký dù hoàn cảnh thay đổi bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Hùng nói.
Việc các văn bản nội bộ do các công ty bảo hiểm nhân thọ ban hành khẳng định sẽ chi trả cho khách hàng nhiễm virus Corona, dưới góc nhìn của chuyên gia trong ngành, là không có giá trị pháp lý.
Vậy quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo nếu xảy ra rủi ro mắc dịch bệnh? Phóng viên đã đặt câu hỏi này với Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Theo Luật sư Tuấn, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng.
Đơn giản là người tham gia bảo hiểm thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm.
Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Nếu một nội dung không được thỏa thuận trong hợp đồng (chỉ bằng 1 văn bản nội bộ như trên) thì sẽ không được chấp thuận khi có tranh chấp.
Dưới góc nhìn của ông Tuấn, các doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận chi trả thì không nói, nhưng nếu họ không chấp nhận bồi thường thì có hai vấn đề cần bàn ở đây.
Khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm có thể nêu lý do chỉ là thông báo nội bộ, “chúng tôi nhầm”, “người ký không đúng thẩm quyền”…
Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản gửi cho các khách hàng về việc điều chỉnh, bổ sung điều khoản hợp đồng bảo hiểm thì mới đúng quy định, thuận lợi cho các đại lý khi tiếp cận khách hàng, hoặc bổ sung vào điều khoản của hợp đồng.
“Với sự bùng phát của virus Corona trên diện rộng, vượt biên giới Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chính phủ các nước và Việt Nam cũng như Bộ Y tế Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo. Chính vì thế, sự kiện này được xem là sự kiện chúng ta đã biết và biết trước.
Do đó, trong mọi trường hợp, mỗi khiếu nại bồi thường bảo hiểm sẽ được xem xét dựa trên từng trường hợp cụ thể, các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm tương ứng mà các bên có thỏa thuận”, luật sư Tuấn bổ sung.