|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Netflix muốn đăng kí kinh doanh ở Việt Nam, hợp tác xuất khẩu phim Việt ra thế giới

20:53 | 26/08/2019
Chia sẻ
Sáng nay 26/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix Khu vực châu Á Thái Bình Dương để bàn về triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp này với Việt Nam trong thời gian tới.
Netflix muốn đăng kí kinh doanh ở Việt Nam, hợp tác xuất khẩu phim Việt ra thế giới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Kuek Yu-Chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: mic.gov.vn

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT, ông Kuek Yu-Chuang bày tỏ mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách nghiêm túc. Netflix cam kết sẵn sàng tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, đóng thuế đầy đủ theo đúng qui định của pháp luật.

Ông Kuek Yu-Chuang cũng đề xuất Netflix kí kết Biên bản ghi nhớ với Bộ TT&TT về việc mua các bộ phim Việt Nam để chiếu trên nền tảng Netflix, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác cùng xuất khẩu phim Việt Nam ra các thị trường nước ngoài. Hiện Netflix đang cung cấp dịch vụ tại 190 quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam là một nước có chủ quyền, các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam hoạt động kinh doanh phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Về các bộ phim Việt Nam phát sóng trên Netflix, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh việc mua các phim Việt Nam, Netflix nên hợp tác với các công ty điện ảnh trong nước để cùng sản xuất các bộ phim đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả Việt Nam nói riêng và các khán giả là thuê bao của Netflix tại các thị trường khác nói chung.

Netflix là một dịch vụ giải trí trực tuyến chỉ cung cấp cho thuê bao đăng ký với hơn 151 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia. Các thuê bao xem phim và các seri phim được sản xuất chuyên nghiệp (không có nội dung do người dùng tạo) với nhiều thể loại và ngôn ngữ trên bất kỳ thiết bị màn hình có kết nối Internet. Dịch vụ của Netflix đã có mặt ở hầu hết khu vực châu Á Thái Bình Dương, gồm cả Việt Nam, kể từ năm 2016.

PV