'Nên quy định ngân hàng bán tài sản đảm bảo không phải chịu thuế VAT'
Chiều 24/6, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Cân nhắc mở rộng quy định bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là đối tượng không chịu thuế VAT
Cũng tại phiên họp, đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ sự quan tâm tới nội dung liên quan đến đối tượng chịu thuế quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, mở rộng theo hướng quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng tại điểm này là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Ông Ấn lý giải, khi đã phải bán tài sản đảm bảo thì có nghĩa là khách hàng vay đã rất khó khăn. Và trong trường hợp này, nếu có thuế giá trị gia tăng nữa thì lại thêm gánh nặng nợ cho họ.
"Nếu được miễn thuế giá trị gia tăng thì có khả năng họ còn để được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh trở lại", ông Ấn nói.
Do đó, đại biểu cho rằng việc quy định như vậy là rất cần thiết. Bên cạnh đó, trong thực tế, quy định như vậy cũng không quá ảnh hưởng đối với việc thu thuế.
Không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách khi sửa Luật thuế GTGT
Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng việc sửa đổi luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Theo thống kê, việc thu thuế giá trị tăng luôn chiếm tỷ trọng khá cao, tới 1/4 so với tổng thu thuế cũng như tổng thu ngân sách. Tỷ lệ huy động từ thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thuộc nhóm tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu và hiệu suất thu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam đều cao. Điều này thể hiện việc thu thuế giá trị gia tăng rất hiệu quả.
Đại biểu đánh giá mức thuế suất 10% hiện nay của Việt Nam không cao nếu so với các nước EU. Tuy nhiên, khi so với một số nước phát triển khác như là Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc thì Việt Nam đang tương đương, thậm chí cao hơn cả Singapore và Đài Loan.
Theo đại biểu Cường, thuế giá trị gia tăng là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hoá tăng lên, mức tiêu thụ hàng hoá sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, ảnh hưởng đến người sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất.
Ông Cường nêu rõ, để phục hồi kinh tế, trong hai năm qua, Việt Nam đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, đại biểu đề nghị không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Mặt khác, để tăng thu ngân sách, đại biểu cho rằng có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường.
Về thuế tài sản, đại biểu cho rằng đây là một sắc thuế có khả năng huy động rất lớn cho ngân sách. Đồng thời, sắc thuế này cũng có vai trò điều tiết rất lớn đến vấn đề chiếm hữu tài sản.
Đặc biệt, trong bối cảnh Luật Đất đai vừa được thông qua, nếu không nhanh chóng thực hiện sắc thuế này, tình trạng đầu cơ về tài sản sẽ có thể bị đẩy lên cao. Về thuế bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng cần phải sớm ban hành để điều tiết những hành vi gây ô nhiễm và xâm hại môi trường, khuyến khích xu hướng chuyển đổi xanh.