Cuộc họp bất ngờ của ông Tập cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sắp có chuyển biến lớn?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp đại diện các doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh vào ngày 17/2. (Ảnh: AP).
Tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới
Buổi gặp gỡ công khai hiếm hoi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các doanh nhân công nghệ hàng đầu đã làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng môi trường tự do hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Vào ngày 17/2, ông Tập đã có cuộc họp công khai với tỷ phú Jack Ma, một trong những doanh nhân chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ chiến dịch siết chặt quản lý ngành công nghệ mà Bắc Kinh khởi động 4 năm trước.
Những khách mời khác bao gồm CEO Vương Truyền Phúc của hãng xe điện BYD, CEO Lôi Quân của tập đoàn sản xuất đồ điện tử Xiaomi và CEO Lương Văn Phong của công ty trí tuệ nhân tạo Deep Seek.
Phát triển các công ty công nghệ chủ lực là trọng tâm trong kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế của ông Tập. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh vừa làm xẹp bong bóng bất động sản, lĩnh vực từng đóng góp 25% GDP quốc gia.
Gần đây, hơn, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh phải khẩn trương tìm kiếm các động cơ tăng trưởng mới.

Nhà kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley nhận xét: “Bắc Kinh đang tái định vị khu vực tư nhân thành trụ cột cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh nước này đương đầu với các thách thức kinh tế và địa chính trị. Chúng tôi cho rằng sự trở lại của các doanh nhân tên tuổi là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã kết thúc chính sách quản lý cứng rắn”.
Ông Xing dự đoán chính phủ Trung Quốc có khả năng sẽ thực hiện thêm các động thái hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời lưu ý các nhà hoạch lãnh đạo vẫn cần bổ sung biện pháp kích thích tiêu dùng để có thể khôi phục niềm tin doanh nghiệp.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 65% GDP Trung Quốc và cung cấp gần 90% việc làm mới ở thành thị, tờ Bloomberg cho hay.
Một thước đo cổ phiếu Trung Quốc giao dịch trên thị trường Hong Kong có lúc bật tăng hơn 2% trong phiên giao dịch 18/2. Dẫn đầu đà tăng là nhóm cổ phiếu công nghệ bao gồm Alibaba và Xiaomi.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang cố gắng củng cố nền kinh tế trước nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại thứ hai với Mỹ. Khác với cuộc thương chiến lần thứ nhất, lần này nền kinh tế Trung Quốc còn phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang trong trạng thái trì trệ.
Ngành công nghệ có tiềm năng vực dậy tinh thần của các nhà đầu tư, bằng chứng là bước đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI) của DeepSeek đã mở đường để vốn hóa các cổ phiếu Trung Quốc trong và ngoài nước tăng hơn 1.300 tỷ USD.
Ông George Chen, đồng Chủ tịch phụ trách mảng thực hành kỹ thuật số của công ty tư vấn The Asia Group, bình luận: “Chủ tịch Tập đang gửi đi thông điệp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ‘Mỹ có thể có Elon Musk, nhưng Trung Quốc cũng có một dàn doanh nhân công nghệ hùng hậu”.

Không dễ thở phào
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn có thể sẽ tiếp tục can thiệp vào khu vực kinh tế tư nhân. Vào năm 2018, ông Tập từng tổ chức một hội nghị chuyên đề tương tự về doanh nghiệp tư nhân và chuyện trò nồng nhiệt với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Các nhà phân tích của Macquarie lưu ý khi đó nền kinh tế Trung Quốc cũng gặp thách thức giống với hiện nay, tức là xuất khẩu có nguy giảm tốc nghiêm trọng trong cuộc chiến thương mại đầu tiên với Mỹ.
Hai năm sau, Bắc Kinh khởi động chiến dịch nhằm siết chặt kiểm soát đối với nền kinh tế và chuyển nguồn lực vào các ưu tiên khác bao gồm an ninh quốc gia.
Vào tháng 11/2020, Bắc Kinh bất ngờ thông báo hủy bỏ cuộc IPO của công ty công nghệ tài chính Ant Group do Jack Ma sáng lập, triển khai nhiều chính sách xóa sổ hàng nghìn tỷ USD vốn hóa các công ty tư nhân nổi tiếng nhất đất nước, bao gồm Alibaba.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã cố gắng vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào khu vực tư nhân nhưng không đạt được mục đích.
Nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về các biện pháp mà ông Tập dự định dùng để đối phó với xung đột thương mại tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3.
Bắc Kinh dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 khoảng 5%. Các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát ước tính GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay.