Nền kinh tế chia sẻ: Từ Uber, Airbnb đến câu chuyện của Việt Nam
Đó là thông tin được bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng - Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho biết tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4.0 do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/4.
Thế nào là "Kinh tế chia sẻ"?
"Kinh tế chia sẻ" (Sharing economy) là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này.
Theo ông Yuhei Okakita, Phó Giám đốc Bộ phận chính sách thông tin kinh tế - Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, "Kinh tế chia sẻ" có thể được định nghĩa là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.
Ông Yuhei Okakita, Phó Giám đốc Bộ phận chính sách Thông tin Kinh tế - Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản. Nguồn: Người đồng hành. |
Bà Lại Việt Anh cho biết, hai cái tên điển hình khi nhắc đến kinh tế chia sẻ chính là Airbnb và Uber.
Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời, giúp kết nối giữa những người cho thuê/chia sẻ chỗ ở với những người có nhu cầu như khách du lịch. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ, chỉ sau hơn 8 năm, Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 100 quốc gia, đến nay được định giá tối thiểu khoảng 30 tỷ USD.
Tương tự như Airbnb, Uber đóng vai trò bên thứ ba, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi, được thành lập vào năm 2009 tại Mỹ. Uber hiện có mặt tại hàng trăm thành phố trên khắp thế giới với mức định giá khoảng 68 tỷ USD.
Ngoài Airbnb và Uber, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ khác cũng đã đạt được những thành công đáng kể. Ông Okakita nhận định, doanh thu toàn cầu của nền kinh tế chia sẻ có tiềm năng tăng nhanh từ 15 tỷ USD hiện nay lên tới khoảng 335 tỷ USD.
"Ở Nhật Bản, doanh thu của ngành công nghiệp này vẫn còn khá nhỏ, nhưng dự đoán thị trường sẽ mở rộng gấp 3 lần trong vòng 5 năm tới", ông Okakita chia sẻ.
Câu chuyện "Kinh tế chia sẻ" tại Việt Nam
Theo bà Lại Việt Anh, tính đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại.
Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Mức độ sẵn sàng về ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của doanh nghiệp và người dân cũng như quy mô thị trường TMĐT ở mức trung bình khá của khu vực. Bên cạnh đó, báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2016 cho hay, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 170 USD. Doanh số thu từ TMĐT B2C (doanh nghiệp đến khách hàng) đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước, ước tính tăng 20% so với năm 2015.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng - Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương. Nguồn: Người đồng hành. |
Bà Lại Việt Anh cũng cho hay, mô hình kinh tế chia sẻ hiện đã xuất hiện tại Việt Nam với các tên tuổi từ nước ngoài như Uber, Grab, Airbnb cũng như nhiều start-up trong nước như Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu...
Phó Cục trưởng - Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhận định "Kinh tế chia sẻ" đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả tiềm năng tại Việt Nam như mang đến trải nghiệm mới đồng thời đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tận dụng tài nguyên nhàn rỗi một cách hiệu quả; đẩy mạnh kinh tế vùng địa phương. Đồng thời "Kinh tế chia sẻ" giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu hướng phát triển CMCN 4.0 của thế giới.
Dù vậy, theo bà Lại Việt Anh, "kinh tế chia sẻ" cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.