|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nên buôn bán với 'nhà giàu' để nâng chuẩn

16:54 | 30/08/2016
Chia sẻ
"Buôn bán với các ông giàu là cơ hội để chúng ta nâng chuẩn của mình lên. Vượt qua được hàng rào khó nhất thì các thị trường khác điều kiện thấp hơn ta đều vào được hết. Chơi với nhà nghèo nhưng phải buôn bán với nhà giàu".
viet nam nen buon ban voi nha giau
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tại Hội thảo "Giải pháp tài chính để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập mới" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI) tổ chức sáng nay.

Ông Tuấn cho rằng các rào cản kĩ thuật khi xuất khẩu sang nước giàu là bài học để chúng ta tiến lên. Ví dụ, cá tra xuất khẩu sang Mỹ với yêu cầu rất cao. Một ngày, Trung Quốc bỗng nhận nhập khẩu với số lượng lớn, lại không đòi hỏi khắt khe về kĩ thuật. Rất nhiều doanh nghiệp Việt nam quay sang xuất khẩu cho Trung Quốc.

Theo quan điểm của Viện trưởng IPSARD, hành động này không khác nào tự hạ tiêu chuẩn của chính mình. Trong khi đó, nếu tuân thủ đúng nguyên tắc của các sân chơi lớn, ví dụ Hiệp định TPP và Hiệp định đối tác thương mại Việt Nam - EU như một bài thi khó, các "bài thi" khác sẽ qua được hết.

Chuyên gia nghiên cứu đến từ Mỹ - ông Jason Kassel chia sẻ, người tiêu dùng ở các nước phương Tây đều rất quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm ảnh hưởng thể nào tới sức khỏe. Ông lấy ví dụ 20.000 tấn cá ba sa được phía Việt Nam chứng nhận chất lượng nhưng sau đó bị Mỹ từ chối nhập khẩu vì tồn dư kháng sinh, cho thấy Việt Nam mới chỉ chú ý ở khâu giao hàng mà chưa kiểm soát từ khâu chế biến và đóng gói.

Viện trưởng Tuấn cho rằng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển. Từ trước đến nay, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu buôn bán trao tay từ người nông dân qua thương lái. “Buôn bán trao tay dẫn đến thông tin bất đối xứng, chỉ có nông dân biết thực phẩm bẩn hay sạch, nuôi đúng quy trình hay không", ông Tuấn nói. Theo ông, nếu có doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp sẽ giám sát chất lượng nông dân, các bên giám sát lẫn nhau thì mới đảm bảo yêu cầu kĩ thuật.

Có 3 điểm doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp sẽ hỗ trợ tốt cho người nông dân, theo ông Tuấn.

Điểm thứ nhất, doanh nghiệp có thị trường và hiểu thị trường hơn người nông dân. Thứ hai, người nông dân sẽ được hỗ trợ về công nghệ và vốn từ doanh nghiệp, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Thứ ba, doanh nghiệp làm ăn lâu dài với người nông dân sẽ đảm bảo giá theo thị trường, tránh bị thương lái ép giá.

Minh Tâm