[Bài 1] Châu Á sẽ dẫn đầu xu hướng thương mại tự do với CPTPP
[Bài 2] Việt Nam, Mexico sẽ hưởng lợi như thế nào từ TPP 11? | |
TS. Trần Du Lịch: So với TPP, Việt Nam tham gia CPTPP còn tốt hơn nhiều | |
CPTPP vừa được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile |
Là người có công trong việc đưa cá da trơn đến với thị trường thế giới, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám Công ty cổ phần Hùng Vương, đôi khi vẫn được gọi là “Vua cá tra” của Việt Nam. Cá da trơn là một loại cá thịt trắng, có hương vị nhẹ và đặc biệt có giá khá rẻ. Loại cá này được nuôi trong các hồ thủy lợi rải rác khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nên nguồn cung rất dồi dào mà chi phí ít tốn kém. Trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa thích hải sản trong các bữa ăn, Công ty Hùng Vương của ông Minh cũng nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn hàng đầu của Việt Nam.
Giống như những người trong cùng ngành thủy sản tại Việt Nam, ông Minh ban đầu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xem đây là cơ hội để tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi TPP vào năm 2017, ông Minh buộc phải xem xét lại những kỳ vọng cho Công ty Hùng Vương.
Mặc dù Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng của Hùng Vương nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng ông Minh cho rằng để duy trì được tình trạng kinh doanh của Công ty như hiện nay sẽ là một thách thức, nhất là khi ông Trump thực hiện chính sách thương mại “nước Mỹ trên hết”.
Tuy nhiên, theo ông Minh, dù không có Mỹ tham gia TPP thì Hùng Vương vẫn sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Doanh thu từ xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, Canada và Australia của Hùng Vương đạt 20 triệu USD trong năm 2017. Ông Minh kỳ vọng con số này sẽ tăng 30% sau khi Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết vào ngày 8/3 vừa qua.
Hiệp định TPP sụp đổ là một “phát đòn” đối với Việt Nam. Trước đó, Việt Nam từng kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và nông thủy sản sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam), Canada, Mexico và nhiều quốc gia khác sẽ tăng mạnh nhờ TPP. Tuy nhiên, theo giới phân tích thương mại, Hiệp định CPTPP vẫn sẽ là cơ hội để Việt Nam chuyển mình, hay nói cách khác là, giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao chất lượng nền kinh tế hơn.
Điều quan trọng nhất của CPTPP có lẽ không phải là nội dung của Hiệp định, mà ở một sự thật là các thành viên đã có thể thống nhất thỏa thuận mà không cần Mỹ, một nước từ nhiều thập kỷ nay luôn đề cao tự do thương mại. Điều này khiến thị trường thế giới đều bất ngờ, bởi rất nhiều đồn đoán cho rằng Hiệp định sẽ sụp đổ sau khi Mỹ rút lui khỏi TPP, mà không ai nghĩ rằng Nhật Bản và các quốc gia còn lại vẫn tiếp tục đàm phán.
Tuy nhiên, ngay trước thềm CPTPP, Hiệp định thương mại tự do lớn nhất và quan trọng nhất thế giới trong 25 năm qua, được ký kết, ông Trump đã làm rúng động thị trường thế giới cũng như “rung chuông cảnh báo” tới các đồng minh của Mỹ bằng việc tuyên bố áp thuế nhập khẩu rất cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.
Điều này chứng tỏ thế giới vẫn phát triển dù không có Mỹ trong khi Mỹ lại đang tự mình tách ra và đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. “Như vậy, nước Mỹ đã nhường lại vị trí lãnh đạo về thương mại cho châu Á,” bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á (Singapore) cho biết. Trên thực tế, Mỹ là quốc gia khởi xướng ra TPP ngay từ những ngày đầu, là quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ TPP và cũng sẽ là quốc gia bị thiệt hại vì rút khỏi Hiệp định này, bà Elms nhận định.
Hiệp định CPTPP sẽ ảnh hưởng tới tổng 500 triệu người dân của các nước thành viên với tổng GDP lên tới 12,4 nghìn tỷ USD. Quy mô của CPTPP vẫn còn rất lớn, chiếm tới 13,5% tổng GDP toàn cầu, dù cho chưa bằng một nửa quy mô của TPP (38,2%).
Hiệp định TPP ban đầu được 12 thành viên, bao gồm cả Mỹ, thông qua vào tháng 10/2015. Khi Mỹ rút lui, Hiệp định này đã mất đi sự cân bằng vốn được xây dựng dựa trên tinh thần nhượng bộ nhau của các thành viên, và các nước còn lại buộc phải đàm phán lại để tìm được điểm cân bằng mới.
Các quốc gia thành viên ở châu Á và Châu Đại Dương muốn xóa bỏ một số điều khoản đã được thông qua mà Mỹ từng phải “dày công” thuyết phục, như quyền sở hữu trí tuệ. Bởi rõ ràng, khi Mỹ rút lui, các điều khoản này cũng chẳng còn giá trị, vì chúng không giúp cải thiện tình hình thương mại với thị trường Mỹ.
Gần 20 điều khoản được Mỹ đề xuất đã bị “đóng băng” trong Hiệp định CPTPP, trong đó có điều khoản bảo vệ 8 năm cho dữ liệu về thuốc sinh học thế hệ mới và gia hạn bảo hộ bản quyền tới 70 năm sau khi một tác giả qua đời.
Có vẻ như các quốc gia thành viên của CPTPP đã có chút nhượng bộ lẫn nhau, thay vì cứ siết chặt quy định thương mại. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ vẫn duy trì các điều khoản nhằm đảm bảo sự tự do không gian số trong Hiệp định mới. Trong đó gồm ba quy định liên quan đến giao dịch điện tử là: chuyển thông tin xuyên biên giới, cấm các quốc gia thành viên yêu cầu các tổ chức nước ngoài đặt các máy chủ trong lãnh thổ của họ, và cấm các quốc gia yêu cầu công khai mã nguồn phần mềm.
Rất có thể, các quy định mới này sẽ thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia vào khối nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Đây cũng có thể là cơ hội để châu Á cải thiện khả năng lưu trữ dữ liệu lớn, tạo động lực để đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.