NĐT cần quan tâm đến những sự kiện kinh tế nào khi 'xuống tiền' mua cổ phiếu trong tháng 5?
Theo trung tâm phân tích của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), những sự kiện có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán tháng 5 có thể kể đến như khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 22/5 – 23/6 theo đó dự kiến thông qua 08 dự án Luật, 02 dự thảo Nghị Quyết trong đó có một số nội dung đáng chú ý bao gồm: Luật đất đai (sửa đổi) – cho ý kiến lần 2, luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bên cạnh đó là báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án cũng như thông qua các nội dung tờ trình Chính phủ đề xuất.
Nhóm phân tích của BSC cho rằng các sự kiện này góp phần điều chỉnh cơ chế chính sách ở các lĩnh vực quan trọng, thông qua một số nội dung nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực trong giai đoạn thiếu vắng các thông tin hỗ trợ.
Sự kiện thứ hai là việ Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT tại kỳ họp tháng 5, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nội địa, tác động đến tích cực đến thị trường nói chung.
Cũng trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đưa ra nhiều giải pháp chính sách để tiếp tục hỗ trợ cho các ngân hàng giảm lãi suất sau sự đồng thuận cao của 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước với chủ trương giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thông qua đó doanh nghiệp được hỗ trợ, thị trường có thể sẽ tích cực hơn.
Tại thị trường quốc tế, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục ghi nhận dấu hiệu khởi sắc sau khi ghi nhận tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023 – mức tăng cao nhất theo quý kể từ 2022 và vượt dự báo của nhiều tổ chức, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho khu vực và thế giới .
Một thông tin khác có thể kể đến như diễn biến dòng tiền khối ngoại, kỳ điều chỉnh ETF ngoại và trạng thái mua/bán ròng của các ETF chính có thể tác động đến thanh khoản, xu hướng.
Tuy nhiên, thị trường cũng có những yếu tố sẽ tác động theo chiều hướng tiêu cực. Đơn cử, cuộc khủng hoảng hệ thống Ngân hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro sau vụ sụp đổ tiếp theo của First Republic Bank bên cạnh hoạt động siết chặt cho vay và các rủi ro liên quan trong lĩnh vực bất động sản thương mại tại Hoa Kỳ có thể khiến nguy cơ suy thoái và bất ổn gia tăng.
Mặt khác, xung đột giữa Nga-Ukraine có thể sẽ tiếp tục leo thang sau sự kiện máy bay không người lái tấn công Điện Kremlin (Nga) và các chiến dịch phản công, giao tranh giữa hai bên ngày một quyết liệt hơn gây tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn khu vực và thế giới.