NĐT cá nhân mua ròng hơn 570 tỷ đồng phiên HOSE có hệ thống mới, cổ phiếu ngân hàng nào được mua nhiều nhất?
VN-Index điều chỉnh hơn 9 điểm, NĐT cá nhân là bên duy nhất mua ròng
Trong phiên HOSE chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong sắc đỏ với áp lực chốt lời gia tăng tại vùng đỉnh khiến chỉ số có thời điểm giảm sâu hơn 25 điểm. Lực mua gia tăng trong phiên ATO đã giúp thu hẹp áp lực giảm của chỉ số. Kết phiên, VN-Index giảm 9,14 điểm (0,64%) còn 1.411,13 điểm, HNX-Index giảm 0,08% xuống 327,76 điểm, UPCoM-Index giảm 0,18% về 90,47 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch phiên 5/7 đạt hơn 1,03 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 32.885,19 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 25.938 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Đây cũng là phiên có giá trị khớp lệnh trên HOSE cao nhất kể từ ngày 9/6 đến nay.
Các tổ chức trong nước, tự doanh và khối ngoại đều gia tăng chốt lời khi VN-Index đã liên tiếp vượt đỉnh cũ. Cụ thể, các tổ chức trong nước và tự doanh bán ròng trong phiên lần lượt 244,4 tỷ đồng và 196,4 tỷ đồng. Khối ngoại cũng đảo chiều về cán cân bán ròng sau phiên mua ròng nhẹ cuối tuần trước. Họ rút ròng 136,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Trong phiên 5/7, dòng tiền vào của các cá nhân có sự suy giảm nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn khá tích cực. Họ mua ròng 576,9 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đỏ lực mua tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đây là nhóm đi ngược thị trường với 19/27 mã tăng điểm, áp đảo với 7 mã giảm điểm và 1 mã đứng giá tham chiếu.
Ngoài ra, dòng tiền NĐT cá nhân cũng tìm đến cổ phiếu tài nguyên cơ bản (thép).Chiều ngược lại, họ bán ròng nhẹ tại 6/18 ngành, chủ yếu là điện, nước & xăng dầu khí đốt.
Lực cầu tập trung ở nhóm ngân hàng, tâm điểm mua VPB, STB, HPG
Cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tiếp tục dẫn đầu chiều mua với 180,3 tỷ đồng mua ròng. Sau tin tức chia cổ phiếu khủng, cổ phiếu VPB đã trải qua chuỗi 4 phiên liên tiếp tăng giá. Hiện mã này đóng cửa tại vùng đỉnh kỷ lục trong một năm gần đây là 72.700 đồng/cp, tăng nhẹ 0,83% so với phiên trước đó.
STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo sau với 146,2 tỷ đồng giá trị vào ròng. Theo ghi nhận, cổ phiếu STB đã liên tục tăng từ đầu năm, đặc biệt tăng 9,95% sau khi được Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng lên mức cao nhất sau nhiều năm tái cơ cấu.
Là cổ phiếu cuối cùng ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng, HPG của Hòa Phát giúp nhóm tài nguyên cơ bản duy trì vị trí trên danh mục mua ròng của NĐT cá nhân. Mặc dù giá thép đã hạ nhiệt, HPG vẫn được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng nhờ vào các dự án đã ký cho hai quý cuối năm.
Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến cổ phiếu ngân hàng duy trì mức tăng lớn nhất phiên là TCB (91 tỷ đồng). Theo sau là SSI (65,6 tỷ đồng), NVL (60,9 tỷ đồng), VIC (38,8 tỷ đồng), VRE (34,2 tỷ đồng), KBC (31,7 tỷ đồng) và CTG (22,7 tỷ đồng).
Mặc dù không có cổ phiếu nào ghi nhận giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng tại chiều bán, dòng tiền cá nhân vẫn rút mạnh nhất khỏi bộ đôi vốn hóa lớn là VHM (69 tỷ đồng) và VCB (56,6 tỷ đồng). Theo sau, các ông lớn đầu ngành như MSN (55,2 tỷ đồng), GAS (47,5 tỷ đồng), GEX (29,7 tỷ đồng) cũng bị bán ròng.
Cùng chiều, một số cổ phiếu ghi nhận lực bán ròng dưới 23 tỷ đồng gồm có MBB (22,4 tỷ đồng), IJC (19,2 tỷ đồng), DXG (15 tỷ đồng), SSB (14,2 tỷ đồng), VCG (13 tỷ đồng).