|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng đột biến gần 11.150 tỷ đồng trong tháng 3, tâm điểm ba bluechip

09:57 | 01/04/2024
Chia sẻ
Trong tháng 3, NĐT cá nhân mua ròng gần 11.145 tỷ đồng, trong đó gom ròng khớp lệnh là 10.340 tỷ đồng. Tính chung cả quý I, họ giải ngân ròng hơn 16.240 tỷ đồng.

VN-Index khép lại tháng 3/2024 tại mức giá 1.284,09 điểm, tăng 31,36 điểm tương đương 2,5% so với thời điểm cuối tháng 2. Với đà tăng này, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì 5 tháng liên tục tăng điểm từ vùng 1.020 điểm tháng 11/2023.

Bên cạnh điểm số tăng, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên cả 3 sàn đạt 27.268 tỷ đồng, tăng 28% so với mức bình quân tháng trước.

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước một trong hai bên mua ròng trong tháng 3, bên cạnh bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.

Giao dịch của 2 nhóm này đã cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng gần 11.145 tỷ đồng, trong đó gom ròng khớp lệnh là 10.340 tỷ đồng. Tính chung cả quý I, họ giải ngân ròng hơn 16.240 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 13/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống được mua ròng 3.182 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 3.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (2.579 tỷ đồng), ngân hàng (1.815 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (1.103 tỷ đồng).

Cùng chiều, các ngành hàng & dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí, xây dựng & vật liệu, du lịch & giải trí, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.

Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bán lẻ với quy mô 327 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành hóa chất và dịch vụ tài chính cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 224 tỷ đồng và 151 tỷ đồng. Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến hai ngành ô tô & phụ tùng, truyền thông với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VHM là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị giao vào ròng trên 2.000 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu VHM từ khối ngoại và tổ chức trong nước.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Vinhomes đóng cửa phiên 29/3 tại 42.850 đồng/cp, giảm nhẹ gần 1,3% so với thời điểm cuối tháng 2.

Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến VNM của Sữa Việt Nam (Vinamilk) với giá trị 1.825 tỷ đồng. Một cổ phiếu cũng được NĐT cá nhân mua ròng hơn nghìn tỷ đồng trong tháng 3 là MSN.

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của bán lẻ, thép, bất động sản, ngân hàng, dầu khí, công nghệ như HPG (926,1 tỷ đồng), NVL (924,8 tỷ đồng), VND (689,1 tỷ đồng), VPB (629 tỷ đồng), TCB (582,3 tỷ đồng), PVD (529,8 tỷ đồng) và FPT (437,4 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã STB với 582,2 tỷ đồng. Theo báo cáo của Agriseco, triển vọng lợi nhuận năm 2024 của Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với một số động lực chính.

Các nhà phân tích kỳ vọng STB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (sau khi trích lập xong các tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý trong năm 2023) trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi tích cực hơn. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu trong năm 2023, STB đẩy nhanh tiến độ đấu giá 32,5% cổ phần STB tại VAMC theo tiến độ thì sớm nhất là tới quý II/2024 sẽ hoàn thành.

STB được kỳ vọng sẽ đấu giá thành công KCN Phong Phú trong năm 2024, giúp STB gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.

Ngoài cổ phiếu của Sacombank, NĐT còn bán ròng cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán, có thể kể đến như SSI (375,2 tỷ đồng), FTS (184,8 tỷ đồng) và HCM (172,3 tỷ đồng). Cùng chiều các cá nhân rút ròng hơn trăm tỷ đồng các mã PDR, KBC, KDH, MWG, GAS, PLX.

Linh Chi