|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân có tuần đảo chiều mua ròng hơn 430 tỷ đồng, tập trung gom cổ phiếu ‘họ Vingroup’

07:43 | 20/02/2023
Chia sẻ
Giao dịch trái chiều khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân có tuần mua ròng đầu tiên sau chuỗi bán ròng liên tục từ giữa tháng 11 đến nay. Cụ thể họ mua ròng 433 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 389 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào các ngày đầu tuần trước khi phục hồi vào các phiên sau đó. Trong đó, thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng mạnh vào hai phiên đầu tuần, chủ yếu đè nặng áp lực lên nhóm cổ phiếu bất động sản khiến cho VN-Index nhanh chóng mất điểm và đã có lúc lùi về khu vực 1.030.

Lực cầu bắt đáy tuy thưa thớt nhưng cũng đã xuất hiện ở các phiên sau đó đã phần nào giúp cho thị trường lấy lại được sắc xanh, cải thiện về mặt chỉ số quay lên vùng điểm 1.060. Kết tuần, VN Index đóng cửa tại mốc 1.059,31 tăng 4,01 điểm, tương đương tăng 0,38% so với tuần trước.

Trong tuần vừa qua, sự phân hóa cũng được thể hiện rõ ràng hơn, điển hình như nhóm thép, dầu khí ghi nhận mức tăng trên dưới 2%, trong khi nhiều lĩnh vực chưa dứt đà điều chỉnh như bất động sản, thực phẩm, hóa chất.

Về hoạt động của khối ngoại, dòng tiền nước ngoài tỏ ra khá thận trọng khi giao dịch một cách trầm lắng và chuyển hướng bán với quy mô hơn 500 tỷ đồng.

Giao dịch trái chiều khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân có tuần mua ròng đầu tiên sau chuỗi bán ròng liên tục từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Cụ thể họ mua ròng 433 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 389 tỷ đồng.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Dòng tiền cá nhân chủ yếu tìm đến nhóm bất động sản, hóa chất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với tỷ lệ ngành được mua ròng/bán ròng là 12/6. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản bản với giá trị lên tới 411 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu địa ốc có tuần giao dịch với tỷ trọng giá trị giao dịch tiếp tục tăng lên 20,83% toàn thị trường, chỉ số giá ngành giảm 1,68% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có lực bán ra. Tính từ đầu năm, cổ phiếu bất động sản giảm 6,52% và là nhóm giảm mạnh thứ hai toàn thị trường sau nhóm du lịch và giải trí (giảm 11,06%).

Tính riêng tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục phân hóa, các mã tăng điểm, có thanh khoản gồm IDC, TIG, KBC, IJC, SCR trong khi nhóm giảm điểm gọi tên NVL, PDR, HPX, AMD, KHG.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bất động sản giảm trong tuần, chỉ số giá giảm cho thấy có lực bán ra. Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản trong tuần tăng nhẹ cho thấy so với thị trường chung áp lực bán của nhóm này mạnh hơn.

Theo sau, lực cầu của cá nhân trong nước tìm đến các ngành hóa chất (213 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (85 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (67 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (28 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí đứng đầu danh mục rút vốn với giá trị 106 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngành duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí có một tuần giao dịch tương đối khởi sắc với mức tăng toàn ngành là 2,02%, là một trong những nhóm tăng tốt nhất thị trường.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 92 tỷ đồng ở điện, nước & xăng dầu khí đốt, 48 tỷ đồng ngành xây dựng & vật liệu, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bảo hiểm, công nghệ thông tin, du lịch & giải trí, ngân hàng, thực phẩm & đồ uống, …

NĐT cá nhân tập trung xả BID, nhưng mua ròng mạnh nhất VHM, VIC

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện BID của nhóm ngân hàng với 99,6 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước đối ứng với lực mua của các bên còn lại của thị trường.

Tương tự, loạt cổ phiếu ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm CTG, HDB với giá trị lần lượt là 43,5 tỷ đồng, 42,8 tỷ đồng.

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như PVD (84 tỷ đồng), HSG (55,1 tỷ đồng), KBC (54 tỷ đồng), GAS (48,9 tỷ đồng), MSN (36,6 tỷ đồng), KDH (31,8 tỷ đồng), POW (30,5 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.  

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM của Vinhomes vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 200,4 tỷ đồng cổ phiếu VHM, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (57,5 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (135,7 tỷ đồng). Tuần qua, VHM với mức giảm 5% đã lấy đi 2,81 điểm của VN-Index.

Cùng chiều, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng được mua ròng 182,3 tỷ đồng. Tương tự loạt mã bất động sản cũng nằm trong Top gom ròng, bao gồm DXG và NVL với giá trị lần lượt 173 tỷ và 75,9 tỷ đồng.

Hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG (159,1 tỷ đồng), STB (118,8 tỷ đồng). Một số mã ngành hóa chất cũng nằm trong top 10 mua ròng như DGC (65,4 tỷ đồng), DPM (64,8 tỷ đồng).

Linh Chi