|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân chuyển hướng bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng tuần VN-Index vượt mốc 1.115 điểm, tập trung xả nhóm ‘bank, chứng, thép’

08:56 | 19/06/2023
Chia sẻ
Trong tuần 12 – 16/6, nhà đầu tư cá nhân chuyển sang chốt lời hơn 3.204 tỷ đồng sau 4 tuần mua ròng liên tục. Đây cũng là bên bán ròng duy nhất trong các nhóm nhà đầu tư.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 24 của năm 2023 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, có thêm 7,69 điểm so với tuần trước, tương đương 0,69% và chốt tuần tại 1.115,22 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 17.092 tỷ đồng, giảm 6,5% so với tuần trước, nhưng tăng 22,3% so với trung bình 5 tuần và 52,5% so với trung bình 20 tuần qua.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã dừng đà bán ròng 6 tuần liên tiếp và chuyển sang mua ròng khớp lệnh gần 1.718 tỷ đồng. Cùng với đó, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cùng tổ chức nội lần lượt gom ròng 708 tỷ đồng và 778 tỷ đồng.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân chuyển sang chốt lời hơn 3.204 tỷ đồng sau 4 tuần mua ròng liên tục. Đây cũng là bên bán ròng duy nhất trong các nhóm nhà đầu tư.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Dòng tiền cá nhân tập trung rút khỏi bộ ba ‘bank, chứng, thép’

Nhà đầu tư cá nhân ngược chiều bán ròng 3.204 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh cá nhân trong nước bán ròng 3.407 tỷ đồng.

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với 11/18 các nhóm ngành bị bán ròng.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị lên tới 1.230 tỷ đồng.  Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính với 1.041 tỷ đồng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 943 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bất động sản (662 tỷ đồng), bán lẻ (125 tỷ đồng), công nghệ thông tin (46 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (45 tỷ đồng), ...

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành xây dựng & vật liệu dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 237 tỷ đồng. Tương tự, nhóm hóa chất và thực phẩm cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 159 tỷ đồng và 148 tỷ đồng, …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của nhóm thép với 935 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước chủ yếu đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài và tổ chức trong nước.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, VND cũng bị bán ròng với giá trị 525 tỷ đồng. Kế đó, nhiều cổ phiếu lớn cũng nằm trong danh mục rút vốn là SSI (478 tỷ đồng), MSN (308 tỷ đồng), VHM (303 tỷ đồng), EIB (284 tỷ đồng), VIC (256 tỷ đồng), STB (249 tỷ đồng), ...

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của nhiều mã vốn hóa trung bình như HSG (240 tỷ đồng), KBC (148 tỷ đồng), ...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM của Vinamilk vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua.

Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 441 tỷ đồng cổ phiếu VNM, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (424 tỷ đồng).

Cùng chiều, cổ phiếu CII và CTG được gom ròng với giá trị lần lượt là 305 tỷ đồng và 124 tỷ đồng. Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu REE, TPB, NVL, PC1, BVH, DPM với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức nội chuyển hướng mua ròng gần 780 tỷ đồng, tâm điểm HPG, SSI

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước mua ròng 778 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 912 tỷ. Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 193 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được khối này rót vốn gần 200 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Dòng tiền từ các tổ chức nội còn tìm đến loạt mã tài chính ngân hàng như SSI (157 tỷ đồng), ACB (97 tỷ đồng), MBB (95 tỷ đồng). Đại diện còn lại trong top 5 mua ròng là VHM với quy mô 110 tỷ đồng.

Tại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức nội tập trung vào cổ phiếu CII (259 tỷ đồng). Dòng tiền của khối này cũng rút khỏi KDH với giá trị 124 tỷ đồng.

Tương tự, tổ chức trong nước cũng bán ròng các cổ phiếu thuộc nhóm thực phẩm, điện, nước, xăng dầu khí đốt như REE (98 tỷ đồng), GAS (79 tỷ đồng), VNM (68 tỷ đồng), ...

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi