NĐT cá nhân bán ròng kỷ lục hơn 19.000 tỷ đồng tháng 11, tập trung xả VHM, STB, CTG
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tháng giao dịch phân hóa mạnh mẽ. Nửa đầu tháng 11, VN-Index liên tục rung lắc mạnh, có thời điểm chỉ số rơi về vùng giá thấp nhất quanh khu vực 870 - 900 điểm.
Tuy nhiên, nửa cuối tháng 11 ghi nhận tín hiệu hồi phục. Trong đó, 5 phiên cuối tháng chứng kiến VN-Index tăng tốc để về đích tại mức điểm cao nhất tháng nhờ lực cầu bắt đáy được kích hoạt.
Kết phiên 30/11, VN-Index tăng 20,48 điểm tương đương 1,99%, kết thúc tháng 11 ở mức 1.048,42 điểm. Thanh khoản tăng 5,3% so với tháng trước, giảm 11,8% so với thanh khoản trung bình 5 tháng gần đây.
Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá trị gần 16.000 tỷ đồng.
Giao dịch ngược chiều với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 19.016 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng khớp lệnh là 18.793 tỷ đồng. Đây cũng là tháng bán ròng lịch sử của nhóm cá nhân trong nước. Một phần của lực bán này đến từ việc bị buộc bán giải chấp trong đó có tới 2 cổ phiếu ở rổ VN30 là NVL và PDR. Đây cũng là 2 lực cản chính của thị trường trong tháng 11.
Dòng tiền cá nhân rút ròng 17/18 nhóm ngành
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 17/18 nhóm ngành bị bán ròng, duy nhất cổ phiếu truyền thông được mua ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới gần 5.026 tỷ đồng.
Theo thống kê của của FiinTrade, nhóm cổ phiếu nhà băng có một tháng giao dịch khởi sắc với mức tăng toàn ngành là 6,68% với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng từ 17,13% lên 21,38% toàn thị trường, chỉ xếp sau nhóm cổ phiếu địa ốc với 22,5%.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 3.432,1 tỷ đồng ở nhóm bất động sản, trước khi rút ròng cổ phiếu thực phẩm & đồ uống (1.993 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (1.695 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (1.149 tỷ đồng), hóa chất (1.113 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (1.086 tỷ đồng), …
VHM dẫn đầu top bán ròng, NĐT cá nhân xuống tiền bắt đáy NVL, HPX
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện VHM của ngành bất động sản với 1.612,5 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu thuộc top 2 ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp là 10,75 điểm. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, trong năm nay, VNDirect kỳ vọng doanh số ký bán mới của CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) sẽ đạt 129.500 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021) và vượt nhẹ so với kế hoạch ký bán mới của công ty. Trong đó, lượng ký bán mới trong quý IV được hỗ trợ bởi sự ra mắt của dự án Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Vinhomes, STB của Sacombank cũng bị bán ròng với giá trị 1.328 tỷ đồng. Kế đó, CTG và SSI lần lượt bị xả ròng 1.231,5 tỷ đồng và 1.212,1 tỷ đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như VND, BID, TCB với giá trị 340 – 540 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như HPG (963,6 tỷ đồng), VNM (903,7 tỷ đồng), MSN (873 tỷ đồng), VIC (872,9 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL của Novaland vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tháng qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 341,3 tỷ đồng cổ phiếu NVL, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (265,2 tỷ đồng) và nhà đầu tư nước ngoài (166 tỷ đồng).
Cổ phiếu của Novaland chịu ảnh hưởng của việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh do nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp. Tính trong tháng 11, NVL đánh mất 2/3 giá trị với 17 phiên chất sàn liên tiếp và chỉ vừa mới được “giải cứu” vào phiên 28/11 với hơn 104 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Dòng tiền đổ vào "giải cứu" NVL không lâu sau khi NovaGroup, cổ đông lớn nhất của Novaland thông báo bán thoả thuận 150 triệu cổ phiếu từ ngày 30/11 cho các nhà đầu tư, tổ chức có năng lực tài chính để giảm tỷ lệ sở hữu từ 36,46% xuống 28,76%.
Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ ngày 30/11 đến ngày 29/12. Mục đích thực hiện giao dịch là tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện cãc phương án xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập do HĐQT công ty đã đưa ra.
Cùng chiều, cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát cũng được mua ròng 330,7 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường trong nước hoàn tất phiên “giải cứu” cuối cùng ở cổ phiếu HPX, trước đó là cổ phiếu PDR và NVL. Cụ thể, HPX có khối lượng giao dịch lên đến hơn 165 triệu đơn vị, tạm ngắt chuỗi nằm sàn 13 phiên liên tục để kết tháng 11 tại mốc 9.100 đồng/cp.
Tương tự loạt mã bất động sản vốn hóa trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như DIG, DXG, HDG, FIR với giá trị từ 62 tỷ đồng đến 245 tỷ đồng.