|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng khớp lệnh gần 4.000 tỷ đồng khi VN-Index điều chỉnh hơn 28 điểm, tâm điểm VHM và STB

17:46 | 10/12/2022
Chia sẻ
Giao dịch trái chiều với nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 3.108 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, giá trị xả ròng là 3.974 tỷ đồng.

 

Sau khi ghi nhận mức tăng mạnh mẽ hơn 11% trong tuần trước, đà tăng của VN-Index có phần hụt hơi trong tuần này và chỉ số điều chỉnh giảm với thanh khoản tiếp tục ở mức cao, cho thấy áp lực chốt lời mạnh mẽ quanh khu vực 1.100 điểm.

Về diễn biến cụ thể, đà tăng từ cuối tuần trước của VN-Index được duy trì trong phiên thứ Hai đầu tuần (5/12) nhưng đã có sự giảm tốc đáng kể. Áp lực bán gia tăng về cuối phiên chiều và ở quanh vùng 1.100 điểm, khiến chỉ số điều chỉnh giảm ngay trong phiên thứ Ba sau đó (6/12) với gần 45 điểm.

Ba phiên cuối tuần chứng kiến chỉ số dần ổn định hơn và dao động quanh 1.050 điểm. Tính cả tuần, VN-Index giảm 28,2 điểm, tương đương với 2,61% so với tuần trước. Thanh khoản có phần giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước cho thấy áp lực cung lớn ở các ngưỡng điểm số cao hơn so với vùng đáy ngắn hạn là 950 - 1.000 điểm.

Khối ngoại tuần thứ ba liên tiếp mua ròng với giá trị 4.192 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào HPG, STB và CTG. Một số nhóm ngành dẫn dắt đà tăng điểm trong tuần qua như vật liệu cơ bản, dịch vụ tiêu dùng và các dịch vụ hạ tầng với mức tăng lần lượt 1,27%, 2,28%, 1,06%.

Dòng tiền cá nhân rút ròng 18/18 nhóm ngành

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hoàn toàn về bên bán với toàn bộ 18 nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 924 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 20,15% toàn thị trường, chỉ số giá giảm 3,28% với sự phân hóa mạnh của các cổ phiếu với 11/27 mã tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VCB, BID nằm trong top giảm điểm của ngành. Tuy nhiên, các cổ phiếu LPB, STB, EIB tăng mạnh.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm cổ phiếu vua biến động mạnh trong tuần và mang giá trị dương trong vòng ba tháng, chỉ số giá giảm. Điều này cho thấy dòng tiền vào ra nhóm này mạnh trong tuần. Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng đi ngang cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch tương đương.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 810 tỷ đồng ở nhóm bất động sản, đồng thời rút ròng cổ phiếu dịch vụ tài chính (522 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (444 tỷ đồng), bán lẻ (252 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (224 tỷ đồng), hóa chất (219 tỷ đồng), công nghệ thông tin (171 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện VHM của ngành bất động sản với 583,5 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu thuộc top 2 ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index khi lấy đi gần 3,3 điểm của chỉ số. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Vinhomes, STB của Sacombank cũng bị bán ròng với giá trị 520 tỷ đồng. Kế đó, SSI và HPG lần lượt bị xả ròng 434 tỷ đồng và 376,3 tỷ đồng.

Tương tự, một số cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong top bán ròng, như DXG, VIC, KDH với giá trị quanh 200 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như CTG (266 tỷ đồng), DGC (181 tỷ đồng), FPT (171 tỷ đồng), …

VHM dẫn đầu top bán ròng, NĐT cá nhân xuống tiền bắt đáy NVL

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL của Novaland vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 587 tỷ đồng cổ phiếu NVL, trái ngược so với lực xả từ phía khối tự doanh công ty chứng khoán (641 tỷ đồng).

Vừa qua, CTCP Nova Group đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 40 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 30/11, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu NVL mà Nova Group nắm giữ giảm từ 710,92 triệu đơn vị xuống 670,91 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ gần 36,5% xuống 34,4%.

Động thái công ty chứng khoán bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của Nova Group diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu NVL giảm sàn 16 phiên liên tiếp (4 - 25/11), sau đó tăng trần 2 phiên liên tiếp (29 - 30/11). Hiện tại, NVL lại tiếp tục chuỗi giảm sàn 5 phiên liên tiếp (5 - 9/12) xuống mức giá thấp kỷ lục 16.650 đồng/cp.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh mục giải ngân của cá nhân trong nước như TPB (476 tỷ đồng), VCB (77 tỷ đồng), BID (27 tỷ đồng), …

Tương tự, một số mã vốn hóa trung bình là SBT, VHC, VSC, … cũng được gom ròng dưới trăm tỷ đồng. Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và FUESSVFL lần lượt được mua ròng 34 tỷ đồng và 14,9 tỷ đồng.

Linh Chi