|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chuyển động thị trường

Nâng tầm quản trị doanh nghiệp: Bước đột phá để Việt Nam nâng hạng thị trường

08:45 | 12/06/2024
Chia sẻ
Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập đóng vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng quản trị của các công ty niêm yết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường. HĐQT độc lập góp phần tăng cường sự minh bạch trong quản trị công ty, và đây cũng đang là một trong những yếu tố then chốt quyết định niềm tin từ phía nhà đầu tư, cổ đông.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, do vốn hoá thị trường và quy mô doanh nghiệp niêm yết của nước vẫn còn nhỏ hơn đáng kể so với các nước trong khối ASEAN, thể hiện việc thu hút vốn chưa hiệu quả. Thách thức của HĐQT, đặc biệt là HĐQT độc lập trong các công ty niêm yết là rất lớn, bởi họ là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển lâu dài của cả doanh nghiệp.

Để giúp tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, Chính phủ thực hiện các cải cách về kinh tế và tài chính, như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014. Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tài chính quốc tế FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán đã trở thành mục tiêu chiến lược của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Để đạt được mục tiêu này, việc thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch và quản trị doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết. Như vậy, nâng tầm quản trị doanh nghiệp tại các công ty đại chúng là một việc quan trọng và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh: Diễn đàn phát triển thị trường vốn - cơ hội trong kỷ nguyên mới.

Nâng hạng thị trường – Động lực tăng trưởng kinh tế

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ là một dấu mốc quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Năm 2000, khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) chính thức hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất non trẻ. Tuy nhiên, với những nỗ lực cải cách và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã từng bước thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Sự kiện năm 2005, khi chỉ số VN-Index lần đầu tiên vượt mốc 300 điểm, hay năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục 8,5%, đều cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường. Một khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài, từ đó gia tăng thanh khoản và tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước. Việc này không chỉ bước đệm tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Ảnh: Hội thảo Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm 2022, số lượng IPO và giá trị huy động vốn của Việt Nam đặc biệt thấp hơn các nước trong khu vực ASEAN cho thấy quy mô huy động vốn thị trường chứng khoán Việt Nam chưa xứng tầm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thúc đẩy và phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và phù hợp với tiêu chuẩn chung quốc tế.

Chìa khóa giúp nâng hạng thị trường: Quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế

Quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp mà còn tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư. Năm 2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, năm 2020, Thông tư 96/2020/TT-BTC đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về công bố thông tin và quản trị công ty, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải tuân thủ các nguyên tắc quản trị tiên tiến như tăng cường vai trò của HĐQT, minh bạch hóa hoạt động, và đảm bảo quyền lợi cổ đông thiểu số.

Thực hiện quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức quốc tế như MSCI và FTSE Russell xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Vai trò của HĐQT độc lập trong các doanh nghiệp niêm yết

Chuyên gia của SSI nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell trong kỳ đánh giá năm nay. Cơ hội được FTSE Russell nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024 và khả năng được nâng hạng bởi MSCI trong các năm sau đó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả các thành viên tham gia thị trường.”

Ảnh: Hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết”.

Với một doanh nghiệp niêm yết, để giữ chân các nhà đầu tư trong và ngoài nước cần thuyết phục bằng chất lượng quản trị tốt. Điều này trông chờ vào vai trò quản lý, giám sát, điều hành và định hướng của ban lãnh đạo cấp cao cùng HĐQT công ty niêm yết. Những quyết định về yếu tố chiến lược đảm bảo thông tin minh bạch và công khai giúp thu hút vốn đầu tư lớn.

Thực tiễn quản trị tại công ty cổ phần cho thấy, các cổ đông lớn không chỉ chi phối các quyết định của ĐHĐCĐ mà còn tác động toàn diện trong quá trình chỉ đạo, giám sát điều hành của HĐQT. Sự hiện diện của thành viên HĐQT độc lập đảm bảo tính khách quan, đa chiều, công bằng, minh bạch nhằm vào lợi ích tổng thể của công ty.

Nhờ đó, HĐQT tránh được những quyết định mang tính chất tư lợi, những xung đột về lợi ích giữa các nhóm cổ đông, đồng thời bảo vệ được cổ đông nhỏ, tạo ra đối trọng để hài hoà lợi ích giữa các nhóm cổ đông. Công bằng với các chủ thể giúp doanh nghiệp bảo vệ được uy tín của công ty, giữ niềm tin của khách hàng và giữ chân người lao động, tránh tối đa thiệt hại cho công ty.

Như vậy, việc có các thành viên độc lập trong HĐQT giúp đảm bảo việc quản trị được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các yếu tố công khai và minh bạch. Điều này cũng giúp doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư, đồng thời giúp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quản trị quốc tế, thăng hạng thị trường và hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bích Thu

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.