Năng lực tài chính của khách hàng vay vốn tại ngân hàng sẽ được bí mật?
Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng sau sau 16 năm thực hiện, cần phải thay đổi để cân đối với các quy định khác của pháp luật.
Vì nếu thông tin của khách hàng tại các ngân hàng nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng cũng như ngân hàng. Các ngân hàng thương mại đã có kiến nghị cụ thể về Ngân hàng Nhà nước khi lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 70 theo hướng xem xét đưa thêm nhiều loại thông tin của khách hàng vào diện bí mật.
Theo đó, kiến nghị đưa ra, dự thảo mới cần xác định rõ các loại tài sản gửi của khách hàng tại ngân hàng, bao gồm loại chủ động quyết định gửi hoặc không gửi (như tiền gửi tiết kiệm, kim loại quý, đá quý…), loại khách hàng buộc phải đưa cho ngân hàng giữ theo cam kết, thỏa thuận trong các hợp đồng (như vật cầm cố, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu…).
Kể cả các giao dịch như mua, bán ngoại tệ của khách hàng, các giao dịch khác, cho đến tình hình tài chính của họ khi ngân hàng thẩm định, giám sát trong quá trình cho vay cũng cần được xem xét đưa vào diện thông tin bí mật.
Nguyên tắc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng cũng được xác định rõ thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng thì phải được quản lý, sử dụng, lưu trữ và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng thuộc diện bí mật sai quy định, không đúng đối tượng, không chính xác và không trung thực thì khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, và được tổ chức tín dụng đó bồi thường thiệt hại liên quan.