Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam - Ai Cập lên 1 tỷ USD
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn các phòng thương mại Ai Cập và Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam tổ chức, nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch song phương lên 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong cuộc hội đàm ngày 6/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập đã trao đổi và nhất trí đề ra tầm nhìn và phương hướng phát triển quan hệ hai nước, trong đó lấy kinh tế làm trọng tâm.
Trên có sở đó, Phó Thủ tướng cho rằng cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và Ai Cập sẽ là lực lượng tiên phong làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra những tiềm năng, cơ hội to lớn trong quan hệ hai nước mà cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt và tận dụng, nhất là cơ hội cho các doanh nghiệp Ai Cập đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua; trở thành quốc gia có thu nhập trung bình năm 2010; đã và đang chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, APEC, ASEM.
Nền kinh tế Việt Nam năng động, có độ mở cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ; trở thành nước xuất khẩu lớn và đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều, thứ hai về gạo và cà phê.
Gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn đăng ký 300 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện trên 160 tỷ USD.
Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA khác, bao gồm các FTA với tiêu chuẩn cao. Theo đó, thị trường Việt Nam nằm trong mạng liên kết kinh tế với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có thành viên Nhóm G7 và Nhóm G20.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hơn nữa, “các bạn cũng sẽ có cơ hội từ Việt Nam tiếp cận thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN với GDP đạt 2.500 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Theo Phó Thủ tướng, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Ai Cập có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 93 triệu dân, trong đó 60% dân số có độ tuổi trung bình dưới 35, có thu nhập đang tăng theo thời gian.
Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn với các nỗ lực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngân hàng Thế giới xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam tăng 9 bậc so với năm 2016. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2017 là 60/138. Theo Sách trắng năm 2017 của EuroCham, có 76% doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trong đó nhiều doanh nghiệp nằm trong top 1.000 thương hiệu kinh doanh có hiệu quả hàng đầu châu Á.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Ai Cập.
“Chúng tôi khuyến khích sự hợp tác không chỉ giữa doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nhỏ với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm của Chính phủ hai nước, sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, quan hệ Việt Nam và Ai Cập sẽ phát triển toàn diện và vững chắc trong thời gian tới.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Diễn đàn, phát biểu của các đại biểu của Việt Nam và Ai Cập cho thấy hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong quá khứ cũng như hiện tại, là nền tảng quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác thúc đẩy quan hệ song phương.Việt Nam-Ai Cập chia sẻ nhiều điểm tương đồng
Ai Cập là bạn bè truyền thống và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi, cùng chia sẻ và đồng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Ai Cập cũng là một trong những nước Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và mở sứ quan tại Hà Nội trong khi Việt Nam đã sớm thành lập cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập.
Hiện nay Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại châu Phi của Việt Nam với kinh ngạch thương mại hai chiều bình quân hàng năm đạt 320 triệu USD.
Cũng như Việt Nam, Ai Cập đang đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào việc rút ngắn quy trình cấp phép và đẩy mạnh Chính phủ điện tử nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Với mạng lưới FTA đã thiết lập, Ai Cập có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng nhằm thúc đẩy giao thương và xuất khẩu hàng hóa.
Cả hai nước đều là điểm đến du lịch hấp dẫn. Nếu như Ai Cập là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới thì Việt Nam cũng là một trong 18 quốc gia có thế mạnh về du lịch hàng đầu thế giới.
Hai nước có dân số gần 200 triệu người và đều là cửa ngõ quan trọng. Ai Cập là cửa ngõ vào thị trường châu Phi, Trung Đông trong khi Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp Ai Cập mở rộng kinh doanh, đầu tư vào thị trường ASEAN và các liên kết kinh tế khác của ASEAN với các đối tác.