Nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, Vĩnh Long phát triển kinh tế như thế nào?
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng từ 6,5 - 7%.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77%. Trong tháng 7 và 8, kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
IIP tăng 12,04%
Cụ thể, trong 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,04% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,17%, đóng góp vào IIP chung 11,5 điểm phần trăm; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 13,09%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,12%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 64,5%, kéo giảm IIP chung 0,16 điểm phần trăm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,98%
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 45.874 tỷ đồng, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 14,32%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,73%, du lịch lữ hành tăng 14,42% và dịch vụ khác tăng 8,85%.
Nếu loại trừ biến động giá (bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,46% so với cùng kỳ) thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực tế tăng 9,2%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 33,92%
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 632,5 triệu USD, tăng 33,92% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng có mức xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần làm tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chung, đáng kể là: Giày da tăng 35,8%, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung 19,72 điểm phần trăm; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 85,29%, đóng góp 9,45 điểm phần trăm; hàng rau quả tăng 133,84%, đóng góp 2,73 điểm phần trăm; …
Tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 279,1 triệu USD, tăng 27,52% so cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân tăng 3,46%
CPI tháng 8 giảm 0,21% so với tháng trước; trong đó khu vực thành thị giảm 0,27%, khu vực nông thôn giảm 0,19%. Sau 8 tháng (tức tháng 8/2024 so với tháng 12/2023) CPI tăng 2,69%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 1,69 điểm phần trăm.
CPI bình quân trong 8 tháng tăng 3,46% so với cùng kỳ, cao hơn 1,74 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2023.
Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 24,96% so với tháng 12/2023; USD giảm 0,51% so với tháng trước nhưng tăng 3,56% so với tháng 12/2023. Bình quân trong 8 tháng năm 2024 chỉ số giá vàng tăng 27,27%, USD tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 10,17%
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng ước thực hiện được 4.653,9 tỷ đồng, đạt 78,25% dự toán năm, tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 97,8 tỷ đồng, đạt 193,66% dự toán năm nhưng giảm 70,4% so với cùng kỳ.
Số dư nguồn vốn huy động tăng 2,38% so với cuối năm 2023; trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 71,6% trên tổng số dư nguồn vốn huy động và tăng 3,64% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cho vay tăng 3,79% so với cuối năm 2023; trong đó dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 38% và tăng 3,66% so với cuối năm 2023.