Nam Kim hủy dự án đầu tư nhà máy ống thép ở Chu Lai
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa thông qua việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy Ống thép Nam Kim Chu Lai do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cấp phép lần đầu ngày 9/6/2020.
Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ sẽ đại diện ký các giấy tờ và thực hiện các thủ tục có liên quan đến việc chấm dứt dự án này. Ông Vũ đang là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Ống Thép Nam Kim Chu Lai.
Trước đó, vào tháng 11/2019, lãnh đạo Thép Nam Kim đã ra quyết định mở nhà máy ống thép Nam Kim Chu Lai với công suất khoảng 150.000 tấn ống thép/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, là bàn đạp để doanh nghiệp mở rộng thị trường ở miền Trung.
Theo báo cáo tài chính tính đến 30/9, Thép Nam Kim sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Ống Thép Nam Kim Chu Lai với giá trị đã góp vốn gần 38 tỷ đồng. Đây là một trong 4 công ty mà doanh nghiệp đang sở hữu, bên cạnh Ống thép Nam Kim, Dae Myung Paper Việt Nam và Tôn Nam Kim Phú Mỹ.
Động thái dừng đầu tư ở nhà máy Chu Lai đến sau thông tin Thép Nam Kim lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp với dự án mới tại nhà máy Nam Kim Phú Mỹ (khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 Đại Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo thông tin từ Chứng khoán DSC, nhà máy này có công suất dự kiến là 1,2 triệu tấn/năm cùng tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với thép dùng trong xây dựng.
Hiện Nam Kim có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ cao hơn gấp đôi lên 2,2 triệu tấn/năm.
Báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 14.155 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 109,7 tỷ đồng, giảm hơn 62% so với 9 tháng năm 2022.
Theo dự báo của SSI Research, sản lượng xuất khẩu và biên lợi nhuận của Nam Kim sẽ phục hồi trong những quý tới nhờ nhu cầu từ các thị trường phát triển, khi giá HRC ở Mỹ và Châu Âu đã tăng lần lượt hơn 50% và 10% kể từ mức đáy.
Chênh lệch giá tăng lên sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép của Việt Nam trong những tháng tới. Chẳng hạn, trong tháng 10 và tháng 11, sản lượng tiêu thụ của Nam Kim đã đạt 137.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia SSI dự phóng lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp sẽ cải thiện so với quý III và so với cùng kỳ, đưa con số lợi nhuận cả năm lên đến 182 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 125 tỷ đồng).
Cho năm 2024, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Thép Nam Kim sẽ tăng vọt 123% lên khoảng 407 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 5,8% đạt 914.000 tấn nhờ cả kênh nội địa và xuất khẩu đều cải thiện; trong đó kênh xuất khẩu sẽ cải thiện từ quý I/2024 nhờ nhu cầu hồi phục ở các thị trường phát triển và kênh nội địa đi lên từ mức thấp năm 2023.