Năm 2024, ngành ngân hàng còn đối mặt với nhiều thách thức
Đặc biệt là vấn đề nợ xấu khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn không còn hiệu lực vào ngày 30/6/2024.
Vì vậy, nợ xấu tiếp tục "đè nặng lên vai" các ngân hàng, làm gia tăng áp lực về trích lập dự phòng, bào mòn lợi nhuận.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thời gian qua dù ngành ngân hàng có những bước đệm trong việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu và giảm cho vay vào các lĩnh vực rủi ro, nhưng đến khi Thông tư 02 hết hiệu lực thì các khoản nợ đang được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và có thể nợ xấu xuất hiện nhiều hơn.
Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải xuất quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, lợi nhuận ngân hàng vì thế cũng sẽ bị bào mòn.
Cùng quan điểm này, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực, song còn đó áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024.
Nguyên nhân là do dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh năm 2023 được dự báo kém khả quan. Cùng đó, khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2024, áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng.
Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm và so với các quý liền trước đó. Tổng nợ xấu tính đến hết quý III đã tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Nợ nhóm 3, 4, 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) đều tăng.
Thống kê của MBS chỉ ra trung bình tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác tăng 0,7%.
MBS nhận định áp lực trích lập trong năm 2024 sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Theo đó, những ngân hàng đã gia tăng trích lập trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức thấp có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý và có lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, MBS dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13-14% trong năm 2024 cùng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện nhờ duy trì môi trường lãi suất thấp. Qua đó, giúp lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng lạc quan trong năm 2024, dự báo tăng trưởng ở mức 25,1%.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 ở mức khoảng 10%. Tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng; trong đó, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.
VCBS dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Dù vậy, mặt bằng lãi suất xuống mức thấp sẽ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo VCBS, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng nên dù chi phí vốn được cải thiện, NIM các ngân hàng năm 2024 cũng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.
Ngoài các yếu tố trên, chuyên gia từ Công ty cổ phần FiinGroup còn chỉ ra thêm thách thức đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2024. Đó là hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực thời gian qua khiến thu nhập ngoài lãi kém đi, tác động phần nào đến kết quả kinh doanh chung của ngân hàng năm 2024.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) lại có cái nhìn lạc quan trong năm 2024, đó là tỷ lệ hình thành nợ xấu mới sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng được cải thiện nhờ môi trường kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.
Đồng thời, khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ dần phục hồi nhờ NIM tăng và nhu cầu tín dụng cải thiện trong bối cảnh kinh tế phục hồi; bộ đệm rủi ro sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn khi lợi nhuận ngành ngân hàng được cải thiện. Qua đó, góp phần củng cố quy mô vốn và thanh khoản ngành ngân hàng sẽ ổn định hơn khi tốc độ tăng trưởng tiền gửi bắt kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/