|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

7 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2023

14:44 | 26/12/2023
Chia sẻ
Bức tranh ngành ngân hàng năm 2023 đang dần khép lại với gam màu sáng tối đan xen. Không còn lãi lớn như những năm trước, ngân hàng vẫn đang ra sức tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế khi lãi suất huy động đã về mức thấp kỷ lục.

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu, tăng trưởng tín dụng đã có những bước khởi đầu chậm chạp từ đầu năm. Thậm chí tới tháng 7, tín dụng quay đầu giảm, mức tăng trưởng chỉ đạt 4,56% thấp hơn con số vào cuối tháng 6.

Tín dụng tăng tích cực hơn vào các tháng sau đó và đặc biệt là trong ba tháng trở lại đây. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 13/12 đạt 9,87%. Con số này cải thiện hơn rất nhiều so với mức 6,92% đạt được vào cuối tháng 9 nhưng cách khá xa với mục tiêu tăng trưởng cả năm (14%) được đề ra vào đầu năm.

 

"Ngân hàng phải chữa bệnh thừa tiền" là vấn đề đặt ra của hệ thống ngân hàng trong năm qua khi việc cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú.

Mới đây nhất, nhằm thúc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, trong tháng 12, Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 38 ngân hàng thương mại cùng nhiều bộ ban ngành có liên quan để tìm cách khơi thông dòng vốn. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, nhiều bộ ngành, cơ quan có liên quan và cả doanh nghiệp, người dân cũng được kêu gọi phải đồng lòng để thực hiện mục tiêu đề ra.

Trước đó, NHNN cũng đã cho phép các ngân hàng chủ động điều chỉnh hạn mức tín dụng (room tín dụng) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định như: mức giảm lãi suất cho vay, thực hiện được 80% room tín dụng hiện có, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

 

Cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục, lãi suất tại nhiều kỳ hạn thấp hơn so với thời điểm trong dịch COVID-19.

Mới đây nhất, "ông lớn" Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Trong đó, nếu gửi tiền dưới ba tháng, lãi suất sẽ là 1,9%/năm, mức thấp nhất trong lịch sử. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng nước ngoài giảm về 2,8%/năm, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với giai đoạn 2021.

Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78% đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn trong dịch COVID-19. 

 

Xu hướng giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng diễn ra từ cuối tháng 2 khi nhà điều hành đã đi ngược với xu hướng lãi suất trên thế giới, thực hiện4 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp.

Theo số liệu từ NHNN, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2,0 điểm % so với cuối năm 2022.

Mặc dù lãi suất huy động đã giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay lại chưa giảm tương xứng. Điều này cũng được đại diện nhiều doanh nghiệp phản ánh trong các cuộc hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp và được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trình bày trong báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 10.

Lý giải vấn đề này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng chi phí vốn của ngân hàng không giảm nhanh như vậy vì còn có các khoản huy động lãi suất cao từ cuối năm trước, do đó giảm lãi vay cần độ trễ nhất định.

 

Đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế đã tạo áp lực lớn lên đồng tiền các quốc gia khác trên thế giới trong đó có VND. 

Tỷ giá USD đã ghi nhận khoảng thời gian biến động mạnh từ cuối tháng 8, giá USD bán ra tại một số ngân hàng có thời điểm vượt ngưỡng 24.600 VND/USD. Mức mất giá của tiền đồng tính đến cuối tháng 9 đã vượt ngưỡng 3%. Tỷ giá trung tâm cũng lần đầu tiên vượt mốc 24.000 đồng và đạt đỉnh 24.110 đồng vào ngày 23/10.

Trong tháng cuối năm, tỷ giá có phần hạ nhiệt, mức mất giá của VND so với USD từ đầu năm được SSI Research ước tính (ngày 20/12) vào khoảng 2,6%.

 

Cập nhật mới nhất tại ngày 26/12, tỷ giá niêm yết của Vietcombank đóng cửa quanh mức 24.040 - 24.410 VND/USD trong khi tỷ giá trên thị trường tự do biến động trong biên độ hẹp đang dừng ở mức 24.700 - 24.750 VND/USD. Tỷ giá trung tâm ở mức 23.870 VND/USD.

Diễn biến tỷ giá trong quý III trở lại đây có phần tương đồng với giai đoạn cuối năm trước khi tỷ giá trong nước đã giảm mạnh trở lại sau những nhịp tăng trong nhiều tháng trước đó, với khởi phát đến từ môi trường quốc tế giúp hạ nhiệt tâm lý trên thị trường. 

 

Sau khoảng 15 tuần không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, ngày 21/9, NHNN đã tái khởi động kênh hút tiền bằng việc phát hành tín phiếu. 10.000 tỷ đồng đã được hút ròng trong ngày đầu tiên và nhà điều hành đã kéo dài kênh này cho tới ngày 8/11.

Theo giới chuyên gia, động thái phát hành tín phiếu có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao và giúp giảm chênh lệch lãi suất USD và VND, từ đó làm giảm áp lực tỷ giá trong ngắn hạn.

Lý giải về động thái này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chia sẻ NHNN phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định động thái bán tín phiếu của NHNN là hoạt động thông thường của các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ. 

 

NHNN lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023, thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022, nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Mục đích chính của NHNN là hút bớt thanh khoản trên thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá ngắn hạn. 

"Trong giai đoạn này, tôi cho rằng đây là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống", ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup chia sẻ.

Tính đến ngày 6/12, toàn bộ lô tín phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước đã đáo hạn. Lượng tín phiếu hiện tại là 0. 

 

Trong năm 2023, ngân hàng không còn dễ kiếm tiền như những năm trước khi phải đối mặt với cầu tín dụng thấp, chi phí tín dụng cao và rủi ro gia tăng nợ xấu. Lợi nhuận ngân hàng đã cho thấy xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Trong quý III, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành ngân hàng đạt hơn 47.892 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Tốc độ sụt giảm lợi nhuận đã hạ nhiệt so với quý trước đó. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (Big4) là nhóm duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 7,2% so với cùng kỳ).Lợi nhuận của nhóm NHTM còn lại giảm 5,2%, những ngân hàng có mức giảm mạnh nhất như PG Bank, VietABank, VietBank, ABBank.

 

Lợi nhuận các ngân hàng có sự phân hoá mạnh. "Chỉ có nhóm ngân hàng Nhà nước giữ được lợi nhuận ổn định, lợi nhuận nhóm ngân hàng cổ phần lớn bắt đầu chịu ảnh hưởng trong khi một số ngân hàng khác đã có thấy sự sụt giảm mạnh", CEO WiGroup cho biết. 

 

Nợ xấu gia tăng không phải điều quá bất ngờ với thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều này cũng đã được các nhà điều hành và giới chuyên gia dự báo trước đó. Kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn cộng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã và đang tiếp tục phản ánh vào tình hình nợ xấu của ngân hàng.

N xu ca toàn ngành đã tăng quý th tư liên tiếp k t khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cu n COVID-19 hết hiu lc, tăng lên mc 2,2%. Tuy vậy, mức tăng của nợ xấu đang có xu hướng chậm lại trong quý III/2023.

 

Việc triển khai áp dụng Thông tư 02 tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống).

Điểm tích cực về chất lượng tái sản của ngân hàng trong quý III/2023 là dư nợ nhóm 2 giảm 7,7% so với quý trước. Các chuyên gia phân tích cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ được tạm thời kiểm soát cho đến hết năm 2023. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu sẽ phải được lưu tâm hơn vào năm sau. 

 

Về mặt định giá, theo số liệu từ WiGroup, P/B của ngành ngân hàng tính đến thời điểm ngày 26/10/2023 ở mức 1,47 lần, tiệm cận với vùng trung bình 10 năm. "Chúng tôi nhận thấy mức định giá tương đối phù hợp trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn tại một số ngân hàng", báo cáo của WiGroup viết.

Chứng khoán BSC nhận định định giá của ngành ngân hàng đang duy trì quanh mức trung bình kể từ 2016 đến nay, trong đó P/B bình quân = 1.3x với nhóm tư nhân và 2.1x với nhóm quốc doanh. Đây vẫn là mức phù hợp để tích lũy với triển vọng lợi nhuận tạo đáy sau 2023 và phục hồi từ 2024.

 

H.T