Năm 2020: 30% dân số sẽ mua sắm trực tuyến
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng trong Hội nghị tổng kết 5 năm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản trụ cột trong hệ thống phát luật về TMĐT của Việt Nam, đánh dấu sự đổi mới về quản lý nhà nước đối với một hình thức kinh doanh hiện đại, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển thị trường TMĐT.
Đánh giá về tốc độ phát triển TMĐT, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, ổn định. Xu hướng tăng dần đều qua các năm và trên 20%/năm (từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên đến 6,2 tỷ USD năm 2017). TMĐT ngày càng trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, TMĐT ngày càng trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng |
Các mặt hàng được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất gồm: quần áo, giày dép, mỹ phẩm (chiếm 59%), đồ công nghệ, điện tử, đồ dùng gia đình... (chiếm 47%).
Dự kiến, trong giai đoạn 2018-2020, doanh số bán hàng TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 20%/năm và đạt 10 tỷ USD năm 2020, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong đó, 30% dân số mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm.
Về phương thức thanh toán trong các giao dịch TMĐT, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%). Tiếp đến là chuyển khoản qua ngân hàng, thẻ thanh toán quốc tế... Tỷ lệ người tiêu dùng trả lời hài lòng khi mua sắm trực tuyến tăng từ 29% năm 2013 lên 54% năm 2017.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong 5 năm qua, tuy nhiên, theo nhận định của bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số thì sự phát triển của thị trường TMĐT trong giai đoạn tới được dự đoán còn đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Các chủ thể tham gia TMĐT không chỉ còn giới hạn ở 2 mô hình TMĐT phổ biến là website TMĐT và website cung cấp dịch vụ TMĐT. Đặc biệt là tình hình vi phạm, tranh chấp trong giao dịch TMĐT ngày càng gia tăng về cả quy mô và mức độ.
Chia sẻ thêm về những bất cập trên, bà Lê Thị Hà thông tin, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, cá nhân, quảng bá cung cấp sản phẩm, dịch vụ, trên các sàn TMĐT, nhưng đơn vị quản lý sàn TMĐT lại không có ở Việt Nam. Do đó, nếu xảy ra những vấn đề phát sinh trong quá trình giao dịch, thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển thì đây là thách thức lớn với cơ quan quản lý. Từ thực tiễn trên cho thấy, hành lang pháp lý về TMĐT được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu quản lý ở thời điểm đó, nhưng lại chưa phù hợp với tình hình mới, bà Hà nhận định.
Liên quan đến các hành vi gian lận TMĐT, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm. Năm 2017 xử phạt vi phạm gần 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội xử lý 71 trường hợp với tổng mức phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, riêng thanh tra Sở Công Thương đã xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm với tổng mức phạt trên 200 triệu đồng.
Một số doanh nghiệp kiến nghị, để TMĐT hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, thì Bộ Công Thương nên là trọng tài để giải quyết những khiếu nại, tranh chấp thương mại số |
Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan qua mạng, chưa kiểm soát được đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, lực lượng chức năng tại các địa phương rà soát và phát hiện một số địa điểm có dấu hiệu vi phạm.
Để hoạt động TMĐT hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, tạo được lòng tin của người tiêu dùng, theo kiến nghị của đại diện sàn giao dịch TMĐT Fado, thì Bộ Công Thương nên là trọng tài để giải quyết những khiếu nại, tranh chấp thương mại số.
Với những kiến nghị trên, đại diện Cục TMĐT và kinh tế số cho rằng, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định khung mang tính cơ bản về thương mại điện tử để tăng giá trị pháp lý cao hơn nghị định cho cơ quan quản lý. Đồng thời, rà soát nghiên cứu hạ tầng chính sách về thương mại điện tử như xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện phù hợp với thực tiễn phát triển.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử để có cơ chế, chế tài đủ mạnh với các hành vi gian lận trong thương mại điện tử.