Năm 2016 ngành ngân hàng ước \"đút túi\" 40.000 tỷ đồng
Lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay ước đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước |
Theo các nhà băng, đối với doanh nghiệp, họ luôn muốn giảm lãi suất khi doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng bản thân ngân hàng cũng là một nhà kinh doanh và bản chất hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) là người đi vay và cho vay lại. Do đó, theo lãnh đạo một ngân hàng, nếu không có mức lãi suất hấp dẫn để huy động vốn thì người dân sẽ không gửi tiết kiệm, khi đó, ngân hàng không có vốn cho vay với mức lãi suất ưu đãi như kỳ vọng.
Thực tế, những người đi vay tiền luôn muốn được vay với lãi suất thấp, còn người gửi tiền thì ngược lại. Lãi suất huy động hiện ở mức 6-7,8%/năm, trong khi nhiều khoản vốn cho vay lãi suất chỉ từ 6-6,5%/năm. Như vậy, ngân hàng sẽ chịu thiệt khi cạnh tranh huy động vốn.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, với chi phí huy động vốn hiện nay, để cho vay với mức lãi suất từ 8-10%/năm, lợi nhuận sẽ thấp. Song, điều quan trọng hơn là giữ được khách hàng và “tiếp sức” cho doanh nghiệp có cơ hội phục hồi để trả nợ.
Trong khi đó, tình trạng NIM trong hoạt động tín dụng giảm thời gian gần đây đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của một số ngân hàng.
Điển hình là Sacombank, báo cáo tài chính quý III/2016 của nhà băng này cho thấy, lợi nhuận trong kỳ chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm tới 69,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sacombank, nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh là do thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm tới 951 tỷ đồng so với cùng kỳ, khi tiền gửi và chi phí trả lãi tăng, trong bối cảnh lãi suất huy động cũng tăng. Cụ thể, trong quý III vừa qua, Sacombank đã chi thêm hơn 1.425 tỷ đồng để trả lãi tiền gửi cho khách hàng so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), chất lượng tài sản của Sacombank đã xấu hơn kể từ khi sáp nhập thêm SouthernBank. Việc xử lý các khoản phải thu, lãi và phí phải thu… có thể sẽ dẫn đến thoái thu và NIM giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập, từ đó tác động lên lợi nhuận.
Bởi tỷ lệ lãi cận biên được xác định bằng tổng doanh thu từ lãi trừ tổng chi phí trả lãi (thu nhập lãi thuần) trên tổng tài sản có sinh lời bình quân. Trong đó, tổng tài sản có sinh lời bình quân được xác định theo các khoản mục: tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác, cho vay các tổ chức tín dụng khác, cho vay khách hàng, chứng khoán đầu tư. Thông qua tỷ lệ này, các ngân hàng có thể kiểm soát tài sản sinh lời và đánh giá nguồn vốn nào có chi phí thấp nhất.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016 của Eximbank cho thấy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng giảm 70,15% so với cùng kỳ 2015, đạt 202 tỷ đồng, tương ứng hoàn chỉ chỉ 20,23% kế hoạch cả năm.
Lý do khiến lợi nhuận của Eximbank sụt giảm mạnh là vì cho vay khách hàng giảm, trong khi chi phí dự phòng tăng mạnh. Cụ thể, cho vay khách hàng giảm 4,79% so với đầu năm, xuống còn 80.690 tỷ đồng, trong khi huy động từ khách hàng tăng 4,8% so với đầu năm, nên chi phí huy động tăng lên.
Với những kết quả đã đạt được sau 9 tháng, lợi nhuận chung của ngành ngân hàng năm nay sẽ khả quan hơn so với năm trước, ước tăng 10%, tương ứng khoảng 40.000 tỷ đồng, dù đã trừ đi khoảng 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. |
Theo các chuyên gia chứng khoán, việc các ngân hàng chịu áp lực tăng lãi suất huy động đầu vào và cạnh tranh lãi suất đầu ra, sẽ khiến NIM trong cả năm 2016 khó cải thiện. Ngoài ra, cho dù NIM mảng bán lẻ (cho vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà…) có tốt lên do chênh lệch lãi cận biên rộng (4-5%/năm), nhưng rủi ro cũng sẽ tăng theo. Vì thế, nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, khi nợ xấu tăng ắt sẽ đòi hỏi dự phòng lớn.
Hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức cao, trong đó tín dụng bán lẻ là mục tiêu quan trọng nhất.
Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng khả quan 9 tháng qua, nhưng NIM lại không cải thiện. Các ngân hàng đều đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu sang mảng thu phí và dịch vụ, giảm phụ thuộc vào tín dụng, song thực tế cho thấy, mô hình của các ngân hàng Việt về cơ bản vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, với những kết quả đã đạt được sau 9 tháng, lợi nhuận chung của ngành ngân hàng năm nay sẽ khả quan hơn so với năm trước, ước tăng 10%, tương ứng khoảng 40.000 tỷ đồng, dù đã trừ đi khoảng 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.