|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Năm 2016 - năm bội thu cổ phiếu chất lượng sàn UPCoM

08:52 | 29/12/2016
Chia sẻ
Năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, trong đó sàn UPCoM là nơi tập trung đông đảo nhất. ACV, Habeco và Đường Quảng Ngãi lên sàn UPCoM ngay lập tức trở thành 3 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn này.

Trong số 10 doanh nghiệp niêm yết trên UPCoM lớn nhất năm nay, hầu hết là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như than, điện, khoáng sản. Các doanh nghiệp này vẫn do Nhà nước nắm phần lớn cổ phiếu và giao dịch khá ảm đạm.

3 điểm sáng lớn nhất trên sàn là các công ty ACV, Habeco và Đường Quảng Ngãi.

nam 2016 nam boi thu co phieu chat luong san upcom
Ảnh minh họa

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV)

Trong số các doanh nghiệp lên sàn năm nay, ACV là doanh nghiệp có lượng cổ phiếu lớn nhất. Với 2,18 tỷ cổ phiếu niêm yết từ 21/11, ACV ngay lập tức trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn UPCoM.

Chào sàn với mức giá tham chiếu chỉ 25.000 đồng/cổ phiếu, ACV ngây lập tức tăng vọt và hiện đang giao dịch quanh vùng 50.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa ACV hiện lên tới gần 108 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần so với vốn hóa của doanh nghiệp lớn thứ 2 trên UPCoM.

Nếu so sánh trên toàn bộ thị trường chứng khoán, giá trị của ACV chỉ đứng sau đúng 3 doanh nghiệp, là Vinamilk, Sabeco và GAS.

Năm 2015, ACV đạt doanh thu 13.267 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.753 tỷ đồng.

Tổng công ty điện lực TKV - CTCP (DTK)

DTK của Tổng công ty điện lực TKV có 680 triệu cổ phiếu, vừa lên sàn UPCoM từ ngày 15/12 với giá tham chiếu 14.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, do Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã nắm phần lớn, chiếm tới 99,68% vốn tại DTK nên lượng lưu hành ngoài thị trường của DTK gần như không đáng kể.

Chính vì vậy, cổ phiếu này hiện vẫn chỉ có mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa trên thị trường là 9.520 tỷ đồng, lớn thứ 4 trên sàn UPCoM.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND)

Cổ phiếu HND lên sàn từ ngày 5/10 với 500 triệu cổ phiếu. Sau 2 tháng rưỡi giao dịch, HND hiện giảm về giá 10.500 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa 5.250 tỷ đồng.

Tương tự như DTK, phần lớn cổ phần của HND nằm trong tay các cổ đông lớn, và chỉ có số ít trôi nổi ngoài thị trường. 4 cổ đông tổ chức của HND sở hữu khoảng 466 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp, tương ứng tỷ lệ trên 93%.

nam 2016 nam boi thu co phieu chat luong san upcom
Ảnh minh họa

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN)

Thương vụ niêm yết cổ phần của Habeco là một trong những thương vụ đáng chú ý nhất trong năm 2016, bởi sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành bia và thị trường bia đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Các hãng bia ngoại đang tranh giành thị phần trên thị trường bia và cách nhất để gia tăng thị phần chính là thông qua M&A, tăng tỷ lệ sở hữu tại 2 doanh nghiệp Nhà nước là Sabeco và Habeco.

Lên sàn từ 28/10 với mức giá tham chiếu chỉ 39.000 đồng/cổ phiếu, Habeco ngay lập tức nhận được lực cầu lớn từ phía nhà đầu tư, đẩy giá tăng vọt, có lúc lên trên 200 nghìn đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, trong những phiên cuối tháng 12, giá cổ phiếu Habeco có dấu hiệu giảm mạnh, đến ngày 23/12 chỉ còn 130.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá này, 231,8 triệu cổ phiếu Habeco hiện có vốn hóa hơn 30 nghìn tỷ đồng, lớn thứ 2 trên sàn UPCoM, chỉ đứng sau ACV. Nếu so với các doanh nghiệp trên sàn HOSE, vốn hóa của Habeco đứng ở vị trí thứ 12.

Năm 2015, Habeco đạt doanh thu 9.653 tỷ đồng, lãi sau thuế là 951 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP)

SGP niêm yết 216,3 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM từ ngày 25/4. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của SGP là 15.900 đồng nhưng hiện tại cổ phiếu này giảm xuống chỉ còn 6.500 đồng, tương ứng vốn hóa hơn 1.400 tỷ đồng.

Do cơ cấu cổ đông cô đặc, các cổ đông lớn nắm trên 95% vốn nên thanh khoản SGP trên sàn chứng khoán cũng ở mức thấp.

Tổng công ty khoáng sản TKV - CTCP (Vimico - KSV)

KSV niêm yết 200 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ ngày 28/7 và hiện có giá 7.800 đồng, giá trị vốn hóa 1.560 tỷ đồng.

Tại Vimico, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sở hữu tới hơn 98% vốn nên gần như KSV không có giao dịch trên thị trường.

nam 2016 nam boi thu co phieu chat luong san upcom
Ảnh minh họa

Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS)

Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp nổi tiếng với thương hiệu sữa đậu nành. Niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 20/12, QNS tăng vọt lên 112.000 đồng/cổ phiếu và hiện lùi về mức hơn 96.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá này đưa giá trị vốn hóa của QNS lên trên 18.000 tỷ đồng, lớn thứ 3 trên sàn UPCoM, chỉ kém ACV và Habeco. 3 cổ phiếu này lên sàn đã tác động mạnh tới chỉ số UPCoM-Index và biến động tại các cổ phiếu này đều ảnh hưởng mạnh tới chỉ số của sàn UPCoM.

Theo báo cáo tài chính năm 2015, doanh thu của QNS là 7.804 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.230 tỷ đồng.

Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (Han Corp - HAN)

Lên sàn từ ngày 20/10 với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, đến nay giá của HAN vẫn không hề thay đổi, giữ giá trị công ty ở mức 1.763 tỷ đồng.

HAN cũng gần như không có thanh khoản khi Bộ Xây Dựng đã nắm tới 98,83% tại doanh nghiệp này, với khối lượng cổ phiếu 139,4 triệu đơn vị.

Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex - VOC)

Vocarimex là ông lớn trong ngành dầu ăn với tỷ lệ sở hữu lớn tại hàng loạt doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất thị trường, như Cái Lân, Tường An, Nhà Bè, Tân Bình...

Vocarimex có 121,8 triệu cổ phiếu lưu hành và hiện có giá trên 27.000 đồng, tăng gấp rưỡi so với khi niêm yết ngày 19/9. Giá trị Vocarimex hiện ở mức gần 3.400 tỷ đồng.

Được biết, Tập đoàn Kinh Đô đang sở hữu 24% tại Vocarimex và có ý định nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 51% để dấn thân sâu hơn vào thị trường dầu ăn. Kido mới đây cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại dầu Tường An lên 65% và nắm giữ các vị trí chủ chốt tại công ty này.

Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (MVB)

Tương tự các doanh nghiệp ngành than, MVB hiện do Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sở hữu 98,2% vốn trong tổng số 105 triệu cổ phiếu niêm yết. MVB hiện có giá 12.800 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa là 1.344 tỷ đồng. Do ít cổ phiếu lưu thông ngoài thị trường nên giá của MVB tương đối ổn định.

Sang năm 2017, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ còn sôi động hơn nữa khi có thêm nhiều doanh nghiệp Nhà nước niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều mặt hàng chất lượng để lựa chọn. Thị trường cũng sẽ thu hút thêm các nguồn tiền mới, tạo động lực tăng trưởng thanh khoản trong tương lai.

Gia Linh