Nafiqad phát hiện 134 lô cá tra có chất kháng sinh cấm
Có 134 lô cá tra bị phát hiện nhiễm hóa chất kháng sinh trong quá trình kiểm tra để cấp chứng thư xuất khẩu. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu (ảnh chỉ mang tính minh họa) (Ảnh: Trung Chánh) |
Báo cáo mới nhất của Nafiqad cống bố hồi tuần rồi, cho thấy các chỉ tiêu vi phạm về hóa chất kháng sinh cấm bị phát hiện gồm SEM, Enrofloxacin, Ciprofloxacin; vi sinh vật gây bệnh gồm Salmonella, Listeria Monocytogenes, Vibrio Cholerae.
Ngoài ra, có một số lô cá tra bị cảnh báo do không đảm bảo các quy định về mặt cảm quan.
Tuy nhiên, báo cáo này không cho biết tổng khối lượng của 134 lô hàng bị cảnh báo là bao nhiêu, mà chỉ cho biết trong 11 tháng đầu năm 2016 đã thực hiện kiểm tra và cấp chứng thư cho 604.074 tấn cá tra xuất khẩu sang các thị trường.
Trước khi được thông qua đưa đi xuất khẩu, sản phẩm của doanh nghiệp đã được Trung tâm quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản một số địa phương thực hiện kiểm tra để cấp chứng thư như đã nêu ở trên. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, đã có ít nhất 11 lô hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cụ thể, quí 1-2016, có 6 lô hàng bị cảnh báo, tăng 1 lô so với cùng kỳ năm ngoái; quí 2-2016 phát hiện 2 lô, tăng 2 lô so với cùng kỳ năm ngoái; quí 3-2016 có 2 lô, bằng với cùng kỳ năm ngoái và đến thời điểm này của quí 4-2016 phát hiện 1 lô so với 5 lô của cả quí 4-2015.
Còn phân theo thị trường, báo cáo của Nafiqad, cho biết trong 11 lô cá tra bị thị trường nhập khẩu cảnh báo, thị trường Mỹ có 3 lô; EU có 7 lô và Liên minh kinh tế Á-Âu phát hiện 1 lô.
Báo cáo của Nafiqad cho biết sau khi bị thị trường Mỹ cảnh báo có 3 lô cá tra của doanh nghiệp không đảm bảo an toàn thực phẩm, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện thẩm tra hồ sơ, báo cáo, điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục. Hiện nay, các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo đã được phía Mỹ đưa về chế độ kiểm tra bình thường.
Đối với thị trường EU, theo báo cáo của Nafiqad, dù số lô hàng bị cảnh báo có giảm so với cùng kỳ, nhưng cơ quan thẩm quyền của EU cũng đã có công thư nêu lên những quan ngại và khẳng định các biện pháp kiểm soát kháng sinh của Việt Nam vẫn chưa hiệu quả.
Vì vậy, từ đầu năm đến nay, đã có một cơ sở vị phạm và đã bị EU đưa ra khỏi danh sách các đơn vị được phép xuất khẩu vào thị trường này.