Myanmar xét lại dự án cảng biển do Trung Quốc tài trợ
Dự án cảng biển vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng bị thu hồi |
Dự án cảng Kyaukpyu đang bị đánh giá là quá tốn kém. ẢNH: REUTERS |
Theo báo Financial Times, hai người trực tiếp am hiểu các cuộc thảo luận trong nội bộ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi nói rằng các quan chức phụ trách kinh tế đang tìm cách thương thảo để giảm bớt chi phí cho dự án cảng tại Kyaukpyu, bang miền tây Rakhine.
Cảng trên sẽ cho khu vực tây nam Trung Quốc một hành lang giao thương trực tiếp đến Ấn Độ Dương thông qua Myanmar, cho phép các công ty tránh eo biển Malacca nếu cần. Thế nên dự án là một phần nỗ lực trị giá 1.000 tỉ USD của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các tuyến đường cung cấp năng lượng và giao thông vận tải xuyên Á - Âu trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh chủ xướng. Cảng tại Kyaukpyu sẽ là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Myanmar.
Dự án “nên được hoan nghênh như một sự bổ sung hữu ích cho nguồn lực cơ sở hạ tầng của đất nước”, ông Sean Turnell, một chuyên gia kinh tế Úc làm cố vấn cho chính quyền Myanmar về chính sách kinh tế, nhận định. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Thoạt nhìn, dường như đó cũng là một dự án có chi phí tài chính quá mức và vì điều này, nó đặt Myanmar vào những rủi ro mà nước này có thể buộc phải chấp nhận để tham gia”.
Ước tính chi phí cho dự án trên, vốn tọa lạc tại trạm cuối của những tuyến đường ống dầu khí được xây dựng gần đây hướng đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, là khoảng 7,5 tỉ USD, cùng 2 tỉ USD khác được dự trù cho một khu kinh tế kế cận.
Dự án sẽ được thi công bởi một liên danh do Citic Group, một trong những tập đoàn nhà nước lớn và mạnh nhất Trung Quốc. Citic đã thắng thầu hồi năm 2015, trong đó phía Trung Quốc giữ 70% và chính quyền Myanmar cùng các công ty bản địa giữ khoảng 30%.
Một quan chức nước ngoài ở Myanmar được nghe báo cáo về những cuộc thảo luận bên trong chính phủ, tỏ ra thẳng thừng hơn khi nói rằng dự án sẽ mang đến “những cơn ác mộng” cho các nhà lập chính sách Myanmar, trong bối cảnh có những lo ngại cảng sẽ rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc một khi Myanmar không thể thanh toán nợ.
“Nếu dự án không được triển khai suôn sẻ, có rủi ro xảy ra vỡ nợ và trở thành cảng của Trung Quốc”, quan chức giấu tên phát biểu.