Mỹ - Trung ganh đua ở nơi tận cùng thế giới
Tuy nhiên, địa điểm yên bình ở "nơi tận cùng thế giới" này vẫn bị đẩy vào cuộc chạy đua cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đua tranh diễn ra từ khi Quần đảo Faroe muốn tìm một nhà cung cấp công nghệ giúp nhà mạng Foroya Tele xây dựng mạng không dây tốc độ cao thế hệ thứ năm, hay còn gọi là 5G.
Mỹ ngay lập tức lo ngại nguy cơ hợp đồng này rơi vào tay tập đoàn viễn thông Huawei, "viên ngọc quý" trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Hơn một năm nay, giới chức Mỹ không ngừng tìm cách thuyết phục Anh, Đức, Ba Lan và nhiều nước khác cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Washington cáo buộc Huawei cung cấp dữ liệu cho Bắc Kinh và tiềm ẩn mối đe dọa an ninh, bất chấp sự phủ nhận của tập đoàn.
Tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands công khai cảnh báo Quần đảo Faroe về Huawei trong bài phỏng vấn với báo địa phương, nói rằng "những hậu quả nguy hiểm" có thể xảy ra nếu tập đoàn này được phép xây dựng mạng 5G trên những hòn đảo.
Trong cuộc phỏng vấn khác với truyền thông Đan Mạch tuần này, bà Sands tiếp tục cáo buộc Kenneth Fredriksen, giám đốc điều hành khu vực Bắc Âu của Huawei, đang làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh dường như cũng không chịu lép vế, khi Đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch Feng Tie tới thăm Quần đảo Faroe ít nhất hai lần trong vòng hai tháng qua. Mục đích tới Faroe của quan chức này bị tiết lộ trong đoạn ghi âm cuộc họp của các quan chức quần đảo do tờ Berlingske của Đan Mạch công bố hồi đầu tháng 12.
Theo nội dung đoạn ghi âm, Heralvur Joensen, trợ lý cấp cao trong chính quyền Quần đảo Faroe, nói rằng đại sứ Feng đe dọa ngăn chặn một thỏa thuận thương mại và hợp đồng bán cá hồi từ Faroe tới Trung Quốc nếu Huawei bị loại khỏi hợp đồng 5G trên quần đảo.
"Nếu Foroya Tele ký hợp đồng với Huawei, mọi cánh cửa sẽ mở ra với thỏa thuận thương mại tự do giữa Quần đảo Faroe với Trung Quốc.
Nhưng nếu làm ngược lại, sẽ chẳng có thỏa thuận thương mại nào cả", Joensen nói trong đoạn băng. Tuy nhiên, chính quyền Quần đảo Faroe cho biết Joensen không tham gia cuộc họp cùng đại sứ Feng và ông này cũng từ chối bình luận.
Giới phê bình ngay lập tức chỉ trích Bắc Kinh, cho rằng đoạn ghi âm là bằng chứng về mối liên hệ chặt chẽ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc. Đáp lại, ông Feng khẳng định nước này không gây áp lực lên Quần đảo Faroe.
"Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo Huawei được đối xử công bằng, không bị phán xét ở Đan Mạch. Văn hóa Trung Quốc không khuyến khích đe dọa.
Nước nổi tiếng hơn về khía cạnh này là Mỹ", đại sứ Feng cho hay. Huawei cũng tuyên bố họ không liên quan tới bất cứ cuộc thảo luận nào giữa hai bên.
"Về mặt thương mại, Quần đảo Faroe không quá quan trọng với Huawei hay bất cứ bên nào. Trên thực tế, giới chức Mỹ - Trung bung hết sức để cạnh tranh tại đây vì điều gì đó khác, không đơn thuần là vấn đề kinh doanh", Sjurdur Skaale, đại diện của Quần đảo Faroe tại quốc hội Đan Mạch, cho biết.
Theo bình luận viên Adam Satariano của NY Times, giờ đây không có địa điểm nào là quá nhỏ đối với Mỹ và Trung Quốc khi họ đang cạnh tranh gay gắt về tương lai của công nghệ. Thêm vào đó, Quần đảo Faroe còn có vị trí quan trọng về mặt quân sự do nằm gần Bắc Cực.
Chính quyền Quần đảo Faroe cố gắng xoa dịu căng thẳng bằng cách tuyên bố họ "không bị quan chức nước ngoài nào thúc ép hoặc đe dọa trong vấn đề phát triển mạng 5G", nói thêm rằng quyết định thuộc về công ty viễn thông địa phương Foroya Tele.
Trong một thông báo, Foroya Tele cho biết họ đang cân nhắc nhiều nhà cung cấp khác nhau, bởi việc lựa chọn "đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng về quy mô và mức độ quan trọng của khoản đầu tư dành cho Quần đảo Faroe".
Tương tự nhiều nước châu Âu, Quần đảo Faroe dường như lo ngại quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ bị tổn hại nếu họ đứng về phía Mỹ.
Với người dân trên các đảo, cuộc tranh luận về Huawei và mạng 5G cũng không liên quan tới tốc độ đường truyền, mà là nỗi lo lắng về ngành công nghiệp cá hồi, trụ cột của nền kinh tế.
Hơn 90% hàng xuất khẩu của Quần đảo Faroe là cá, bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích và cá tuyết. Tại vùng biển xung quanh quần đảo, hàng nghìn con cá hồi vẫy vùng trong những lồng nuôi và được cung cấp cho các nhà hàng ở Paris, Moskva, New York, Bắc Kinh.
Xuất khẩu cá hồi của Quần đảo Faroe dự kiến đạt 550 triệu USD trong năm nay, tăng mạnh so với mức 190 triệu USD một thập kỷ trước.
Từ năm 2010, sản lượng cá hồi xuất khẩu từ Quần đảo Faroe tới Trung Quốc bắt đầu tăng. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 7% doanh số bán cá hồi của quần đảo. Chính quyền Quần đảo Faroe năm nay cũng mở một văn phòng tại Bắc Kinh để thúc đẩy giao dịch.
"Quần đảo là nơi sinh sống của cá hồi Đại Tây Dương. Chúng tôi có môi trường hoàn hảo dành cho chúng", Runi Dam, nhà tư vấn cho các công ty cá địa phương, cho biết. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phát đạt này giờ đây lại vướng vào cuộc chiến về mạng không dây.
Tại những ngôi làng xung quanh các hòn đảo, người dân bày tỏ sự hoang mang khi bị đẩy vào cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ. "Chúng tôi giống như con chấy bị kẹp giữa hai móng tay, một bên là Mỹ, bên còn lại là Trung Quốc", Rogvi Olavson, cư dân thành phố Torshavn, ví von.
Nhiều người dân Quần đảo Faroe thích Washington hơn Bắc Kinh, nhưng một số cảm thấy tức giận vì giới chức Mỹ yêu cầu họ "cấm cửa" Huawei. Họ cho biết tập đoàn này đã giúp xây dựng mạng 4G mà họ đang sử dụng để gọi điện thoại hoặc chia sẻ ảnh tới những nơi cách xa quần đảo.
"Điều đó khiến tôi thấy khó chịu. Chúng tôi sẽ tự đưa ra quyết định riêng", một cư dân tên Sissal Kristiansen đề cập tới cuộc phỏng vấn gần đây của Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands.
Trong khi đó, những người còn lại lo sợ Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu Huawei không được phát triển mạng 5G tại quần đảo, thậm chí nhớ lại cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990, khiến khoảng 10% cư dân quần đảo phải di cư sang nước khác.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Quần đảo Faroe hiện nay gần như bằng không, theo thống kê của chính quyền. Giống như các quốc gia Bắc Âu khác, ngành y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác ở đây đều miễn phí và hầu như không có tội phạm.
"Trung Quốc không chỉ là một khách hàng tốt, mà vô cùng cần thiết", chuyên gia nghiên cứu về Quần đảo Faroe Martin Breum đánh giá, nói thêm rằng người dân tại đây "không có gì khác để bán cho phần còn lại của thế giới. Họ sống dựa vào nguồn cá".