Mỹ: Thông báo sa thải dồn dập thổi bùng lo ngại về suy thoái kinh tế
Hai năm trước, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã tạo ra một làn sóng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí và chống khủng hoảng.
Tuy nhiên theo các số liệu thống kê, về mặt kỹ thuật, cuộc suy thoái này dù đau đớn nhưng chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn khoảng hai tháng.
Kể từ đó, nền kinh tế đã dần lấy lại đà phát triển. Tại Mỹ, các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong 50 năm và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ (bất chấp tỷ lệ lạm phát cao lịch sử) là những yếu tố duy trì “sự sống” cho nền kinh tế.
Tuy nhiên trong tuần qua, một loạt các đợt sa thải được công bố đã làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư rằng “chiếc bánh xe tăng trưởng” có thể sắp đi chệch hướng.
Liên tiếp những tuyên bố sa thải
Hôm 15/6, hai công ty bất động sản của Mỹ, từng phát triển rất mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch với lãi suất cho vay thế chấp thấp và nhu cầu cao, đã tuyên bố sa thải nhân viên. Redfin (RDFN), công ty từng liên tục tuyển dụng trong những năm gần đây và đã tuyển dụng gần 6.500 người tính đến tháng 12/2021, đã thông báo sẽ cắt giảm 8% nhân sự.
CEO Glenn Kelman của Redfin đã viết trong một bản ghi nhớ gửi đến các nhân viên rằng: “Trong giai đoạn các năm 2020 và 2021 khi nhu cầu tăng lên quá cao, chúng tôi đã phải thuê 1.000 nhân viên mỗi tháng để đáp ứng công việc. Điều này tạo ra khó khăn trong quá trình tuyển dụng, đào tạo và cấp phép.”
Theo CEO Kelman, đây sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quyết định sa thải của công ty. Giá cổ phiếu của Redfin giảm 80% trong năm 2022.
Trong khi đó Compass, công ty đang tuyển dụng 4.500 nhân lực, đang lên kế hoạch cắt giảm 10% nhân viên, với lý do họ đã nhận thấy "những tín hiệu rõ ràng của việc tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại."
Điều đáng lo ngại là làn sóng sa thải nhân viên không chỉ dừng lại ở bất động sản mà các lĩnh vực như công nghệ và tiền điện tử cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc xu hướng tuyển dụng chậm lại.
Hôm 14/6, công ty tiền điện tử Coinbase đã đột ngột sa thải 18% nhân viên, “đóng băng” việc tuyển dụng và thậm chí hủy các thư mời làm việc đã phát ra trước đó. Giám đốc điều hành Brian Armstrong của Coinbase nhận định rằng một cuộc suy thoái đang đến gần.
Trong lĩnh vực âm nhạc, hãng Reuters đưa tin Spotify đang lên kế hoạch cắt giảm tuyển dụng 25%. Tương tự, trong lĩnh vực bán lẻ, StichFix và Carvana đang thực hiện những động thái tương tự.
Ngày 16/6, tỷ phú Elon Musk nói với các nhân viên Twitter (TWTR) rằng công ty "cần phải trở nên khỏe mạnh" về mặt tài chính, đồng thời cảnh báo rằng cắt giảm việc làm có thể xảy ra.
Điều đó xảy ra chỉ hai tuần sau khi Reuters công bố một bức thư từ tỷ phú Musk, trong đó nói rằng ông muốn sa thải 10% nhân của Tesla vì những "cảm nhận tồi tệ" về nền kinh tế.
Tình hình liệu có đáng lo ngại?
Mặc dù tất cả các quyết định sa thải đều gây đau đớn và có thể khiến những ký ức không mấy vui vẻ về mùa Xuân năm 2020 quay trở lại, song vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu đây có phải là dấu hiệu của tình trạng hỗn loạn rộng lớn hơn hay không?
Chuyên gia kinh tế về lĩnh vực lao động Aaron Sojourner nhận định: "Hàng loạt thông cáo báo chí đã các công ty đưa ra song đây vẫn chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ của lực lượng lao động Mỹ." Chuyên gia này nói thêm: "Chúng tôi đã chứng kiến xu hướng tăng trưởng việc làm rất nhanh và ổn định... vì vậy sự giảm tốc xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc đây có phải là điều tiêu cực hay không vẫn còn chưa rõ ràng.”
Những nhận định của ông Aaron Sojourner đang gây sự chú ý. Hồi tháng 3/2020, ông Aaron Sojourner và nhà kinh tế học Paul Goldsmith-Pinkham là một trong những người dự đoán sớm nhất về “trận tuyết lở” đầu tiên với gần 3,5 triệu nhân viên bị sa thải chỉ trong một tuần - con số này cao gần gấp ba lần ước tính của Goldman Sachs.
Cho đến nay, ông Sojourner khẳng định ông vẫn chưa nhận thấy một dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ sẽ chùng xuống.
Tất nhiên, nhận định này có thể thay đổi theo theo thời gian, song tại thời điểm này rõ ràng ông vẫn rất lạc quan.
Theo ông, các nhà quan sát lưu ý rằng các vấn đề kinh tế hiện nay bắt nguồn từ việc mọi thứ đang diễn biến quá tốt.
Ông nói: “Mọi người đang phàn nàn rằng người tiêu dùng có quá nhiều tiền, họ tiêu quá nhiều vàv điều này khiến giá tăng cao... Mọi người đều đang làm việc và muốn được làm việc”.