|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ rút khỏi TPP, nông dân lãnh đủ

21:15 | 30/12/2018
Chia sẻ
Chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nông dân Mỹ mất hàng tỉ đô la doanh thu, với hàng loạt mức thuế quan trả đũa từ Trung Quốc, theo Quartz.
my rut khoi tpp nong dan lanh du

Nhưng chưa dừng lại ở đó. Nông dân Mỹ nay tiếp tục đánh mất cơ hội miễn giảm thuế và nhiều ưu đãi khác mà đáng ra họ được hưởng thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP có hiệu lực vào ngày 30/12 đối với 6 trong số 11 quốc gia thành viên: Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore.

Thành viên thứ 7 là Việt Nam, sẽ chính thức tham gia ngày 14/1.

Gói giảm thuế thứ nhất sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong khi gói thứ hai sẽ có hiệu lực ngay đối với một số nước khi bước qua ngày 1/1.

Trước diễn tiến này, mặt hàng thịt và ngũ cốc Mỹ được dự đoán sẽ mất sức cạnh tranh tại các thị trường trong khối CPTPP. Các nhóm trang trại thương mại đặc biệt lo lắng việc mất thị phần tại Nhật, một nhà nhập khẩu hàng nông sản lớn của Mỹ.

Đây chính xác là hiệu ứng ngược đối với dự tính của các nhà thương thuyết Mỹ.

Thỏa thuận trên vốn có tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do chính Mỹ dẫn đầu và được kí kết vào năm 2016 dưới thời tổng thống Barack Obama. Mục tiêu chính của hiệp định này là mở rộng thị phần của Mỹ tại châu Á.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng đưa Mỹ ra khỏi TPP sau khi trở thành tổng thống với lý do thỏa thuận này sẽ làm tổn hại đến người lao động Mỹ.

Dù ông Trump muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với Nhật, nhưng vẫn chưa có cuộc đối thoại nào diễn ra giữa hai bên.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất Mỹ đang phải bỏ qua một số lợi ích từ CPTPP.

Thu lời hàng tỉ đô

Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ước tính xuất khẩu nông sản nhìn chung sẽ tăng thêm khoảng 3%, tương đương với 7,2 tỉ USD cho đến năm 2032 nhờ TPP.

Các nhà sản xuất thịt của Mỹ đáng lẽ sẽ được miễn một khoản thuế lớn ngay từ ngày đầu tiên thỏa thuận trên. Thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thịt bò sẽ được giảm từ 38,5% xuống 27,5%, và dần dần hạ còn 9% sau 16 năm thực thi.

Sản phẩm thịt heo của Mỹ cũng sẽ được bán ở Nhật với mức giá rẻ hơn. Tokyo sẽ giảm thuế từ 4,3% xuống còn 2,2% ngay từ đầu, và giảm dần tới khi miễn thuế hoàn toàn.

Toàn bộ cam kết trong TPP được dự tính sẽ có hiệu lực vào năm 2026. Hiệp hội Nông dân Mỹ dự đoán xuất khẩu thịt bò và thịt heo có thể tăng thêm 2 tỉ USD cho tới thời điểm đó.

Thị trường rộng lớn

Rời bỏ TPP không chỉ đơn giản là từ bỏ một lượng lớn lợi nhuận, nhiều người lo lắng rằng quyết định này có thể trực tiếp đe dọa hoạt động kinh doanh của nông dân Mỹ.

Lúa mì là một thí dụ điển hình. Khi CPTPP có hiệu lực, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (nhà nhập khẩu Nhật Bản duy nhất của lúa mì Mỹ), sẽ cắt giảm các khoản phí cộng thêm đối với loại ngũ cốc này cho các nền kinh tế thành viên. Điều này khiến lúa mì nhập từ Úc và Canada sẽ rẻ hơn lùa mì Mỹ 14 USD trên mỗi tấn.

Ông Vince Peterson, chủ tịch Hiệp hội Lúa mì Mỹ, hồi đầu tháng này đã cảnh báo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ rằng nếu không có hành động, thị trường dành cho lúa mì nước này sẽ sớm chứng kiến hậu quả.

Xem thêm

Thái Duy