Mỹ phản đối kế hoạch tăng vốn của WB
WB: Các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với rủi ro tiền tệ lớn hơn châu Á |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong cuộc họp báo tại New York ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXV |
Trong tuyên bố gửi tới Ủy ban Phát triển, cơ quan định hướng chương trình hành động cho WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng WB, thể chế đặt trụ sở tại Washington, đang hoạt động thiếu hiệu quả và cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc phân bổ 60 tỷ USD/năm trong quỹ tài chính phát triển.
Thông qua việc hoạt động hiệu quả hơn, WB có thể tự xây dựng nguồn vốn cơ sở và mở rộng việc cho vay mà không cần đến sự đóng góp của 189 quốc gia thành viên, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất.
Theo Bộ trưởng Mnuchin, WB cần cắt giảm hỗ trợ cho các nền kinh tế mới nổi vốn không cần sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài.
Ông nhấn mạnh ngân hàng này cần có thêm quy định về ngân sách, trong đó có việc kiểm soát lương và trợ cấp cho nhân viên.
Ông nêu rõ việc tăng thêm vốn không phải là giải pháp khi nguồn vốn hiện này không được phân phối hiệu quả, nhu cầu nguồn vốn rẻ sẽ vượt quá khả năng cung cấp.
Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng những nguồn lực này sẽ được triển khai tại những khu vực cần nhất để đạt được các kết quả bền vững và hiệu quả.
Lãnh đạo ngành tài chính Mỹ đề xuất những nền kinh tế tương đối mạnh và phát triển trong các chương trình của WB như Trung Quốc, với 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, sẽ không cần đến sự hỗ trợ của thể chế tài chính này.
Đối với các quốc gia giàu có hơn, ông Mnuchin cho rằng WB nên chia sẻ kinh nghiệm chuyên gia thay vì cung cấp khoản vay phát triển.
Tuyên bố trên được đưa ra nhằm phản ứng lại kế hoạch tăng nguồn vốn của Chủ tịch WB Jim Yong Kim và trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu trong một số lĩnh vực.
Tuần này, Tổng thống Trump thông báo việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mỹ, Mexico và Canada).