Mỹ: Lạm phát có khả năng đã đạt đỉnh
Các số liệu mới nhất cho tháng 5/2022 của kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt từ tốc độ tăng kỷ lục trước đó và thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hướng tới một đợt tăng lãi suất lớn khác vào tháng tới. Tuy nhiên, chúng cũng làm gia tăng thêm cảm giác rằng giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/6 công bố dữ liệu cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 6,3% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái. PCE là chỉ số được Fed ưu tiên sử dụng làm thước đo lạm phát, phản ánh mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng trong đó có cả việc thay đổi hành vi tiêu dùng khi giá cả tăng.
Mức tăng kể trên tuy vẫn cao gấp ba ngưỡng mục tiêu 2% của Fed nhưng khá đồng đều so mức với tháng Tư trước đó, phần nào cho thấy các biện pháp tăng lãi suất của Fed bước đầu mang lại hiệu quả kiềm chế lạm phát.
Đáng chú ý là Chỉ số PCE lõi - không bao gồm năng lượng và thực phẩm vốn dễ dao động về giá - chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong sáu tháng.
Chỉ số lạm phát "lõi" vẫn gây tranh cãi, vì nó loại trừ một số mức giá ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hàng ngày. Nhưng nếu sự sụt giảm của PCE lõi tiếp tục, diễn biến này vẫn có sức nặng nhất định đối với các nhà hoạch định chính sách về triển vọng giá cả.
Nhìn chung, các số liệu trên cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, là cơ sở để Fed sẽ tích cực theo đuổi biện pháp tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới, thậm chí sẽ thực hiện thêm những bước đi táo bạo hơn nữa để kiềm chế giá cả. Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, một cái giá mà Chủ tịch Fed Jerome Powell từng phát tín hiệu rằng sẽ sẵn sàng đánh đổi để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ông Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Capital Economics ước tính rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2022 đã giảm xuống 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng mục tiêu trung bình là 2% của kinh tế Mỹ. Con số này là "khoảng cách sản lượng" có thể giúp giảm áp lực liên quan đến nhu cầu đối với giá cả.
Giữa những dấu hiệu tăng trưởng và lạm phát đều có khả năng chậm lại, Fed cần cân nhắc sự cần thiết phải tuân theo các đợt tăng lãi suất dự kiến khi nền kinh tế đối mặt nguy cơ giảm tốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, thậm chí đi vào suy thoái.