|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam

17:24 | 03/12/2019
Chia sẻ
Tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, mức tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 28% trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, với giá trị tăng cao như hiện nay càng làm tăng mối lo hàng hóa Trung Quốc có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường này.

Số liệu thống kế của Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 22,6 tỉ USD, giảm 6,7% so với tháng trước nhưng lại tăng 3,8% so với cùng ời năm 2018. 

Lũy kế 11 tháng đầu năm, kim ngạch ước đạt 241,42 tỉ USD, tăng 7,8% so với 11 tháng năm 2018.

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kì năm trước.

Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc có thể qua Việt Nam lẩn tránh thuế vào thị trường Mỹ càng tăng cao, trong đó, điển hình là ngành gỗ của Việt Nam với sự tăng đột biến về trị giá xuất nhập khẩu của mặt hàng gỗ dán.

Theo đó, để hạn chế tình trạng này, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 qui định về việc tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.

Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2019 đến hết ngày 31/12/2024.

Mục tiêu nhằm tăng cường quản lí xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lí đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước.

4

Xuất khẩu gỗ dán vào Mỹ tăng đột biến càng làm tăng nguy cơ hàng hóa Trung Quốc "mượn đường" Việt Nam sang Mỹ để tránh thuế. Ảnh: NNVN

Bên cạnh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong 11 tháng qua nhưng kim ngạch đạt 38 tỉ USD, giảm 2,3%, Trung Quốc đạt 37,4 tỉ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỉ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỉ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỉ USD, tăng hơn 10%.

Theo Bộ Công Thương hàng hóa Việt Nam đang tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, kí kết.

Khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương nhận định. 

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động sẽ là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.


Như Huỳnh