|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mỹ chính thức điều tra cáo buộc công ty con của Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá

12:39 | 17/01/2020
Chia sẻ
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho biết cơ quan này sẽ điều chỉnh lại mức thuế và các khoản tiền gửi của công ty con của Minh Phú có thể sẽ bị thu hồi.

Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) vừa thông báo đã thực hiện một cuộc điều tra chính thức về việc công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam – Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) và các công ty con đã vi phạm luật chống bán phá giá đối với một số loại tôm nước ấm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ nhập khẩu tôm vào Mỹ. 

CBP cho biết vào ngày 9/10/2019, Tổng cục Thi hành Luật Phòng vệ Thương mại Mỹ (TRLED) thuộc Cục Thương mại đã khởi xướng cuộc điều tra trên cơ sở Đạo luật Thực thi và Bảo vệ (EAPA) sau khi nhận được cáo buộc từ Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc (liên minh của 18 tổ chức và doanh nghiệp đại diện cho những người thu hoạch và bán tôm của Mỹ). 

Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc cáo buộc Thủy sản Minh Phú cùng các công ty con là Công Ty TNHH Chế Biến Thủy Hải Sản Minh Quý, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phát và Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, đã nhập khẩu tôm từ Ấn Độ vào Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang Mỹ.

Theo thông tin Uỷ ban này cung cấp, Thủy sản Minh Phú đã nhập khẩu lần lượt 16.800 và 23.800 tấn tôm đông lạnh từ Ấn Độ trong năm 2017 và 2018. Kể từ đầu năm 2018, đã có 1.512 lô hàng sản phẩm tôm Ấn Độ được chuyển đến cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang.

Thông qua các khiếu nại trên, TRLED đã đưa ra quan điểm "các cáo buộc cho rằng MSeafood đã cố gắng trốn lệnh chống phá giá thông qua việc trung chuyển tôm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ qua Việt Nam là có cơ sở và doanh nghiệp này đã không báo cáo hàng hóa nhập khẩu là từ Ấn Độ" theo thư của CBP.

CBP cũng đã tiến hành các công tác điều tra sơ bộ riêng để thu thập thêm bằng chứng.

Dựa trên các cáo buộc và bằng chứng trên, CBP đang áp dụng các biện pháp tạm thời lên các đơn hàng nhập khẩu tôm đông lạnh chưa thanh toán của MSeafood sau ngày 18 tháng 9 năm 2018.

Cơ quan này cho biết "các đơn hàng sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ để đảm bảo tuân thủ lệnh chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ và các khoản tiền gửi của công ty này sẽ bị thu hồi".

CBP tuyên bố họ đã tạm dừng cấp phép tất cả các hoạt động nhập khẩu tôm do MSeafood thực hiện bắt đầu từ ngày bắt đầu cuộc điều tra nhằm ngày 9/10/2019.

Cơ quan này yêu cầu tất cả các đơn hàng nhập khẩu trong tương lai của MSeafood phải thông qua "nhập cảnh trực tiếp", nghĩa là "trước khi hàng hóa vận chuyển được CBP cho phép nhập vào Mỹ, tất cả các chứng từ nhập cảnh và tiền gửi phải được cung cấp" theo CBP.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Tôm miền Nam – Ông John Williams cho biết ông rất hài lòng với hành động này của CBP. Ông này phát biểu "Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã một lần nữa cho thấy họ rất nghiêm túc trong việc xem xét mọi nỗ lực trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá".

Các cáo buộc chống lại Minh Phú bắt đầu từ lá thư gửi ngày 17 tháng 5 năm ngoái của ông Darin Lahood (R-IL) – một dân biểu Hạ viện Mỹ, yêu cầu CBP mở một cuộc điều tra về việc Minh Phú có thể trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với sản phẩm tôm Ấn Độ.

Nội dung thư cáo buộc Minh Phú đã mua một lượng lớn tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và sau đó bán lượng tôm đông lạnh này vào thị trường Mỹ thông qua một công ty con MSeafood với tư cách là một sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Công ty Minh Phú đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 7 tháng 6, Chủ tịch và Giám đốc điều hành - ông Lê Văn Quang, cho biết công ty của ông không liên quan đến bất kỳ hành vi trốn thuế chống bán phá giá nào tại thị trường Mỹ.

Ông Quang cho biết Minh Phú nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu tôm chế biến ở các thị trường khác ngoài Mỹ và duy trì việc làm trong thời kỳ Việt Nam bị thiếu hụt nguồn cung.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Minh Phú dù trong năm 2019, công ty Minh Phú chỉ xuất khẩu tôm trị giá 245,87 triệu USD sang Mỹ, giảm 19,6% so với năm 2018. 

Tổng cộng, Minh Phú đã xuất khẩu 57.709 tấn tôm trong năm 2019, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018, có giá trị 643,71 triệu USD, giảm 14,3% so với năm 2018.

Lê Thảo/Theo Seafoodsource