Mỹ, Anh xem xét áp thuế lợi nhuận đột biến với các đại gia dầu mỏ
Khi giá dầu tăng, các công ty dầu mỏ đang kiếm được "bộn tiền" - những khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ thực tế mà không cần đầu tư thêm. Điều này đã dẫn tới các cuộc tranh luận về việc có hay không nên đưa ra một biểu thuế đối với các mức lợi nhuận “trên trời rơi xuống” này.
Tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil đã kiếm được 23 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2021, mức lợi nhuận lớn nhất trong vòng 7 năm của tập đoàn này. Với việc giá dầu tăng như hiện nay, ExxonMobil dự kiến sẽ kiếm được gần 33 tỷ USD trong năm nay.
Trong khi đó, tập đoàn dầu khí BP công bố đạt lợi nhuận 12,8 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ kiếm được 15,6 tỷ USD trong năm 2022.
Mức tăng trưởng lợi nhuận “khổng lồ” này đã dẫn tới các cuộc thảo luận ở cả hai bờ Đại Tây Dương về nhu cầu đánh thuế lợi nhuận đột biến đối với Big Oil (chỉ các “đại gia” năng lượng hàng đầu).
Những khoản thuế đó có thể cung cấp sự hỗ trợ tài chính trực tiếp cho những người tiêu dùng đang gặp khó khăn với chi phí năng lượng tăng cao.
Trước đây, cả Mỹ và Anh đều đã từng áp đặt thuế lợi nhuận đột biến với sự ủng hộ rộng rãi. Nhưng lần này, sự ủng hộ khá hạn chế ở cả hai quốc gia.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phản đối ý tưởng này. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, dự kiến sẽ đưa ra các kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm giúp người dân đối phó với chi phí năng lượng gia tăng vào ngày 23/3 tới.
Tại Washington, những người ủng hộ đảng Dân chủ về việc áp “thuế lợi nhuận ngoài dự tính” (Big Oil Windfalls Profit Tax) cho rằng đó là cách công bằng duy nhất để giúp những người dân không có khả năng đổ xăng cho chiếc xe của họ hoặc sưởi ấm cho ngôi nhà của họ.
Thượng nghị sỹ Mỹ Elizabeth Warren, một trong 12 nghị sỹ ủng hộ biện pháp này cho biết: “Chúng ta cần hạn chế sự trục lợi của Big Oil và cứu trợ cho người dân Mỹ. Điều đó bắt đầu bằng việc đảm bảo các tập đoàn này phải trả giá khi họ “nâng giá cơ hội.”
Nếu được thông qua, dự luật thuế này sẽ giúp giảm hàng trăm USD cho phí nhiên liệu mỗi năm cho những người dân có mức thuế thu nhập thấp và trung bình.
Công đảng đối lập của Anh đang kêu gọi tăng thuế đối với lợi nhuận của các công ty dầu khí ở Biển Bắc trong một năm để giúp chi trả cho một loạt biện pháp cứu trợ tài chính do giá năng lượng tăng cao.
Những kế hoạch trên đều là giả định với giá dầu trung bình là 120 USD/thùng. Giá dầu đã tăng vượt mức đó hai tuần trước, trước khi “hạ nhiệt,” nhưng cho thấy thách thức của việc triển khai các chính sách trong một thị trường hàng hóa đầy biến động.
Giá dầu Brent đóng cửa phiên cuối trước chỉ nằm dưới 108 USD/thùng. Giá xăng bán lẻ cũng đã giảm nhẹ, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với đà giảm của giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo Nga có thể mất 30% sản lượng dầu trong vòng vài tuần tới. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa lên tiếng ủng hộ đề xuất “thuế lợi nhuận ngoài dự tính” và Thượng viện Mỹ vẫn thiếu số phiếu đủ để thông qua dự luật này.
Các tập đoàn lớn thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ và Anh cho rằng các đề xuất về thuế lợi nhuận đột biến sẽ đi ngược lại với các lời kêu gọi tăng sản lượng dầu nội địa ở những nước này, như một cách bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của Nga.
Frank Macchiarola, Phó Chủ tịch cấp cao về chính sách, kinh tế và quản lý của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết: “Các nhà lập pháp nên tập trung vào các chính sách làm tăng nguồn cung của Mỹ để giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung hơn là các quan điểm chính trị khiến họ không làm gì khác ngoài việc không khuyến khích đầu tư vào thời điểm cần thiết nhất."
Các công ty dầu mỏ không đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư để đẩy mạnh sản xuất tại Mỹ hoặc Anh. Pavel Molchanov, nhà phân tích của ngân hàng đầu tư độc lập Raymond James Financial, cho biết: "Họ đang chịu áp lực từ cộng đồng tài chính để trả nhiều cổ tức hơn, mua lại cổ phiếu nhiều hơn thay vì tăng cường sản lượng".