|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Muốn kinh tế tư nhân mạnh, nhà nước phải  'chung tay', 'chụm đầu'

11:31 | 07/06/2019
Chia sẻ
“BOT thời gian qua sa lầy vì “lỗi” thiếu minh bạch nên lúc này cần sớm củng cố khung pháp lý về đầu tư PPP (đối tác công tư) bằng một đạo luật, đảm bảo chia sẻ về lợi ích và rủi ro của cả nhà đầu tư tư nhân và nhà nước vì đây là phương thức đầu tư lâu dài, cần đảm báo để nhà đầu tư thấy an toàn, yên tâm” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phân tích.
Muốn kinh tế tư nhân mạnh, nhà nước phải  chung tay, chụm đầu - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã 2 khoá liên tiếp (Ảnh: Việt Hưng)

Doanh nghiệp tạo vạn việc làm xứng đáng phong “Anh hùng”

- Ông từng đề cập chuyện phát triển kinh tế tư nhân từ khi có chủ trương, nghị quyết đầu tiên tới nay đã 17 năm. Vậy trong suốt thời gian qua, thực tế chủ trương này được triển khai thế nào mà mới đây, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên “Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”?

- Trước hết phải nói, Việt Nam vốn không có truyền thống trọng doanh nhân, doanh nghiệp. Vậy nên, để được chấp nhận dần trong nhận thức của xã hội, đổi mới có đến 10 năm rồi thì những khái niệm như “kinh tế thị trường”, “doanh nghiệp tư nhân”, “tư nhân hoá”… cũng vẫn phải khoác những tấm áo khác đi là “kinh tế nhiều thành phần”, “doanh nghệp dân doanh”, “cổ phần hoá”…

Vậy nên, kêu gọi “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”, Tổng Bí thư cũng nói, nếu doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn tử tế, đóng góp cho xã hội, hãy phong tặng cho họ danh hiệu anh hùng. Đó là nguyên lý của việc đảm bảo đối xử công bằng giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế với nhau.

- Là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, ông hẳn là rất “thấm” chuyện phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân?

- Theo tôi, sứ mệnh quan trọng nhất hiện nay đang được giao vào tay các DN tư nhân. Đó chính là việc tạo ra việc làm đàng hoàng cho người dân vì chỉ có việc làm đàng hoàng mới giúp mỗi người sống hạnh phúc và tự do. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam có 1,5-1,7 triệu người mới bước vào tuổi lao động. Trong khi khu vực nhà nước đang phải tinh giản vì bộ máy đã quá cồng kềnh, công việc ở đây cũng phải thu hẹp thì hầu hết số lao động mới đó chỉ có thể tìm được việc làm trong khu vực doanh nghiệp, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.

Nói vậy để thấy, cỗ máy tạo việc làm cho nền kinh tế chính là các doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, trong thời bình, doanh nhân chính là những dũng sĩ, những người hùng. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, tới 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì doanh nghiệp nào trụ vững được, tạo được hàng vạn việc làm và tạo được những thành tích cao hơn thì nhà nước phải tôn vinh họ “anh hùng” là đúng quá chứ.

Muốn kinh tế tư nhân mạnh, nhà nước phải  chung tay, chụm đầu - Ảnh 2.

(Ảnh: Việt Hưng)

- Vậy là con đường hơn 30 năm từ “con phe” đến “anh hùng”, các bước tiến triển của quá trình thay đổi nhận thức về kinh thế tư nhân dường như rất chậm?

- Đúng là chúng ta rất chậm. Các nước khác, từ Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều chỉ mất khoảng trên dưới 30 năm là trở thành nền công nghiệp hiện đại rồi.

Vậy nên nói chung, giờ cần phải bỏ hết mọi phân biệt đối xử đi. Tôi rất buồn khi gần đây phải làm những diễn đàn kinh tế tư nhân rất lớn. Đó là việc phải làm nhưng thực ra, thế giới người ta thấy lạ lắm. Suy cho cùng, nếu không phân biệt đối xử thì không có cái gọi là kinh tế tư nhân để phải tổ chức những hội nghị bàn giải pháp cho khu vực ấy.

10 năm trước, tại một hội nghị do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì, tôi đã bày tỏ mong ước không còn phải nói về doanh nghiệp tư nhân hay DNNN nữa mà chỉ còn một danh từ sử dụng thống nhất “doanh nghiệp Việt Nam”. Xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần này cần đưa vào khẳng định chủ trương làm chính sách chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để coi 4 chữ vàng đó là động lực, là niềm tự hào của đất nước.

Chính phủ kiến tạo là “chung tay” với doanh nghiệp

- Là người đứng đầu, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, theo ông, lúc này nhà nước cần làm gì để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trỗi dậy, đóng góp đúng tầm vai trò “động lực của nền kinh tế”?

- Trước hết phải ý thức sâu sắc việc kinh tế tư nhân chính là động lực, động lực duy nhất, hay có thể nói cách khác là rường cột của nền kinh tế khi khu vực này hiện đã đóng góp tới hơn 60% GDP. Theo đó, hãy nói kinh tế nhà nước giữa vai trò dẫn dắt thay cho khái niệm “vai trò chủ đạo” hiện nay. Đó cũng chính là khái niệm của nhà nước kiến tạo.

Tôi hay sử dụng hình ảnh trên một con thuyền, nhà nước chính là người cầm lái và người chèo thuyền là động lực. Điều đó phù hợp với lý luận, khu vực kinh tế tư nhân là của người dân, mà rõ ràng “đẩy thuyền” hay “lật thuyền” cũng đều do dân. Như vậy, muốn con thuyền tiến được, tiến nhanh thì phải huy động được sức chèo, tức là khởi động được sức dân thì mới thành công.

Và để nhấn mạnh vai trò của tư nhân thì đồng thời cũng phải nhấn mạnh mối quan hệ đối tác công – tư, không chỉ là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng mà trong cả các dự án phát triển kinh tế xã hội và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Điều có đó có nghĩa, đề cao vai trò tư nhân thì nhà nước cũng phải lắng nghe, đối thoại và cùng “chụm đầu” với tư nhân để xây dựng chính sách, để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội.

- Lý thuyết về “cái bắt tay”, như ông nói, thời gian qua đã có những thể nghiệm cho những kết quả hết sức khác nhau, thưa ông?

Đó là do cách làm sai mà trước hết là do pháp luật không minh bạch. Cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) hiện mới chỉ ở tầm một nghị định được soạn thảo, quy chiếu theo luật đầu tư công. Hướng điều chỉnh như vậy là không trúng từ đích rồi, khi phần vốn đầu tư của dân lại bị áp theo nguyên tắc đầu tư công. Việc thiếu khung khổ pháp lý và khung khổ pháp lý thiếu minh bạch làm cho toàn bộ quá trình hợp tác công tư đối mặt nhiều rủi ro, ở đâu thực hiện không minh bạch sẽ cho kết quả không tốt đẹp. “Lỗi” thiếu minh bạch dễ dẫn tới hệ quả các quyết định bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

Cho nên, lúc này, chúng ta cần sớm củng cố khung khổ pháp lý về đầu tư PPP bằng một đạo luật, đảm bảo chia sẻ về lợi ích và rủi ro của cả nhà đầu tư tư nhân và nhà nước. Thời gian qua, nhiều dự án không làm được điều đó và thực tế nhiều nhà đầu tư tư nhân phải gánh chịu mọi rủi ro đó. Đầu tư theo mô hình đối tác công tư, đặc biệt BOT, BT là phương thức đầu tư lâu dài, thường tới vài chục năm nên bao giờ cũng cần đảm bảo trước hết sự an toàn. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư lâu dài.

- Nói như vậy có thể hiểu, ông đồng tình với chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ, thúc đẩy phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như một giải pháp trọng tâm cho thời gian tới để có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao?

- Tôi ủng hộ chủ trương đó. Theo tôi, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với tính chất là chiến lược xương sống thì việc xây dựng những chính sách yểm trợ, tiếp sức để hình thành những tập đoàn kinh tế lớn cũng rất quan trọng vì đó sẽ là những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam, là trung tâm của các chuỗi giá trị.

Và ở đây, mô hình đối tác công tư lại tiếp tục trở nên rất quan trọng vì có những việc tư nhân rất khó làm mà cần phải có cái nắm tay của nhà nước, thông qua việc nhà nước cùng doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực quan trọng hay sự trợ lực từ những cơ sở nghiên cứu khoa học của Chính phủ. Điều đó giúp hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Ý nghĩa của Chính phủ kiến tạo, định hướng là thế.

Đó chính là công thức cơ bản của PPP, việc gì tư nhân khó làm thì nhà nước ra tay thúc đẩy. Chúng ta phải làm sao hình thành được cơ chế bắt tay của nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân để thúc đẩy hình thành những lĩnh vực sản xuất, những ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Việc “chung tay” là yếu tố cần nhấn mạnh ở đây.

Xin cảm ơn ông!

P. Thảo