|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Mục tiêu GDP năm nay tăng 6-6,5% là thách thức'

03:00 | 15/03/2024
Chia sẻ
Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức để đạt mục tiêu GDP tăng 6-6,5%, khi nhu cầu và kinh tế toàn cầu đang chậm lại, theo chuyên gia.

Nhận định này được bà Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế cao cấp Bloomberg Economics nêu tại sự kiện "The Year Ahead" của Bloomberg Businessweek Việt Nam, ngày 14/3.

Cuối năm ngoái, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6-6,5%. Một số tổ chức quốc tế dự đoán kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt từ 5,5% đến 6%.

"Tôi cho rằng 5 - 5,5% sẽ là mức trong tầm tay cho kinh tế Việt Nam", bà Tamara Henderson đánh giá.

Chuyên gia này phân tích, nhu cầu nội địa Việt Nam dần tích cực, nhưng thị trường bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Chưa kể, nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, nên Việt Nam gặp bất lợi khi cầu thế giới vẫn yếu, xung đột địa chính trị khó lường.

Cùng quan điểm, TS Jonathan Pincus, kinh tế gia quốc tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), nói tình hình đầu năm khá chậm nên còn nhiều việc phải làm trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu. "Con số 6% rất nhiều thách thức và phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài", ông nhận định.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam hai tháng đầu năm trên mốc 50, tức sản xuất mở rộng nhưng vẫn khá yếu, theo ông Jonathan Pincus. "Năm nay PMI có thể đi ngang, tăng trưởng sản xuất khó phát triển trong ngắn hạn", ông nói thêm.

Đơn hàng có trở lại, nhiều ngành hàng có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II. Song, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận xét đơn hàng mới có trong ngắn hạn. "Tình hình nửa cuối năm ra sao, thì doanh nghiệp phải tiếp tục vận động, tìm kiếm khách hàng", bà nói.

Các chuyên gia thảo luận tại sự kiện

Nhưng vẫn có những dự báo lạc quan và không ít triển vọng cho thời gian tới. Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng VinaCapital cho biết tín hiệu sản xuất cải thiện khi tồn kho của các nhà máy giảm và đơn hàng mới tăng. Ngoài ra, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nên có thể quan sát thêm tín hiệu PMI nước này.

"Các nhà bán lẻ Mỹ đang giải phóng hàng tồn tốc độ nhanh nhất 10 năm qua. Nhờ vậy, Việt Nam có thể kỳ vọng tăng trưởng đến 6%. Ngoài ra, tâm lý của thị trường bất động sản đang cải thiện", ông đánh giá.

TS Jonathan Pincus của UNDP dự báo trong ngắn hạn Việt Nam vẫn hưởng lợi từ giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao. Sau năm xuất khẩu nông sản thành công với gạo, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh từ đầu năm đến nay.

Bà Tamara Henderson dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất từ giữa năm nay, tổng cộng khoảng 125 điểm cơ bản cho cả năm. "Động thái này có thể giúp các dòng vốn vào Việt Nam tốt hơn, áp lực tỷ giá cải thiện khi đồng VND mạnh lên và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành", bà nói.

Về trung và dài hạn, chuyên gia của Bloomberg Economics dự báo Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, trung bình khoảng 6% trong 10 năm tới. "Chúng ta ở vị thế tốt để vượt trội, nhất là khả năng thu hút FDI, ổn định kinh tế - chính trị, lạm phát vừa phải và dân số trẻ", bà đánh giá.

Phía doanh nghiệp cũng có cái nhìn tích cực. Tasco Auto - cổ đông chi phối của hệ thống phân phối Savico với 86 đại lý toàn quốc của 14 thương hiệu lớn - gần đây mang thương hiệu ôtô Lynk & Co về thị trường Việt Nam trong bối cảnh ngành này vẫn khó khăn.

Tuy vậy, chia sẻ bên lề phiên thảo luận, Tổng giám đốc Trần Thị Hồng Bích nói họ nhìn thấy triển vọng thị trường ôtô ở nửa cuối năm nay, khi tăng trưởng, đầu tư công được thúc đẩy, lãi suất vay mua xe về mức thấp và một số chính sách thuế, phí và thủ tục đăng kiểm được đơn giản hóa. "Về trung hạn, thị trường có tiềm năng tốt và đang phát triển mạnh mẽ", Tổng giám đốc Tasco Auto nói thêm.

Tuy vậy, để Việt Nam vượt qua các cơn gió ngược, TS Jonathan Pincus khuyến nghị lĩnh vực tài chính cần cải thiện theo hướng minh bạch, phát triển thêm thị trường thứ cấp - mảnh ghép còn thiếu, để thu hút vốn nước ngoài. Đại diện UNDP nói vốn ngoại đang rất sẵn sàng chờ được rót vào năng lượng sạch, tài chính, nhưng vẫn phải chờ pháp lý.

"Giải quyết được ngành tài chính, bất động sản thì sẽ tạo ra tăng trưởng nội địa. Tất nhiên đây là vấn đề dài hạn", ông nói. Trong đó, với bất động sản, cần hỗ trợ tăng trưởng hộ gia đình mua được nhà ở vừa túi tiền và bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến các thách thức dài hạn, như tỷ lệ sinh giảm, biến đổi khí hậu. "Đây là lúc chính phủ cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ lao động, quản trị, và giảm thiếu hụt về dữ liệu", bà Tamara khuyến nghị.

Về phía doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy lưu ý sức ép đến từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tiềm hiểu và nắm bắt.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phiên An