|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mức định giá 2,8 tỷ USD của FE Credit là cao hay thấp?

07:00 | 06/05/2021
Chia sẻ
Theo FiinGroup, mức định giá P/B và P/E của FE Credit không thấp, nhưng sự cộng hưởng giữa thị phần của FE Credit và lợi thế của SMBC như vốn rẻ, phong cách quản trị của người Nhật có thể làm giá trị của công ty này tăng mạnh trong tương lai gần.

Mới đây, FiinGroup đã phát hành báo cáo phân tích về việc định giá Công ty Tài chính VPBank (FE Credit) qua thương vụ với SMBC.

Cụ thể, ngày 28/4, VPBank công bố chuyển nhượng 49% cổ phần cho đối tác Nhật SMBC với mức định giá 2,8 tỷ USD.

Dựa trên số liệu tài chính năm 2020 và dư nợ tại cuối quý I/2021, FiinGroup tính toán FE Credit được định giá P/B (giá trên giá trị sổ sách) ở mức 3,4 lần; định giá P/E (giá trên thu nhập) ở mức 22 lần và định giá dựa trên dư nợ ở mức 0,9 lần.

Theo nhóm phân tích, mức định giá về P/B này cao hơn đáng kể so với bình quân của 4 thương vụ chuyển nhượng cổ phần của các công ty tài chính Việt Nam cho đối tác ngoại trong vòng 5 năm qua.

FiinGroup: FE Credit xứng đáng được định giá cao hơn so với các giao dịch bán các công ty tài chính trước đây - Ảnh 1.

Đồng thời, mức định giá này cũng cao hơn mặt bằng định của các cổ phiếu ngân hàng ở Việt Nam hiện có bình quân P/B ở mức 1,79 lần và P/E  ở mức 16 lần. 

"Nhiều ý kiến cho rằng giao dịch này có định giá quá cao so với mặt bằng chung của định giá các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, FE Credit là đơn vị đầu ngành trong nhóm 16 công ty tài chính tiêu dùng và dư địa thị trường còn lớn hơn so với các ngân hàng truyền thống. Hơn nữa, điểm mấu chốt là các mô hình kinh doanh là khác nhau mặc dù có thể cùng đối tượng khác hàng", nhóm phân tích nhận định.

Theo đánh giá độc lập của FiinGroup, FE Credit xứng đáng được mức định giá cao hơn so với các giao dịch bán các công ty tài chính trước đây do FE Credit là công ty có thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng (chiếm gần 46% thị phần cho vay trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép hoạt động). 

Hơn nữa, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dẫn đến tốc độ tăng trưởng đã giảm tốc và nợ xấu tăng lên đáng kể nhưng tình hình tài chính của FE Credit về cơ bản vẫn ở mức cao hơn bình quân ngành cụ thể cả về NIM, nợ xấu, thanh khoản và các chỉ số lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích cũng cho rằng FE Credit là công ty dẫn đầu trong nghành về phát triển các sản phẩm mới và đầu tư cho chuyển đổi số từ rất sớm. Vì vậy, khả năng cao là FE Credit sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngay cả trong và sau đại dịch.

FiinGroup đánh giá bản chất của giao dịch này là VPBank thoái 49% vốn tại FE Credit. 

Theo tính toán của FiinGroup, về ngắn hạn thì tiền chảy vào FE Credit vào khoảng là 3.572 tỷ đồng (tương đương 154 triệu USD) do VPBank tăng vốn điều lệ FE Credit lên hơn 10.900 tỷ đồng ngay trước giao dịch như công bố.

Còn phần lớn dòng tiền của giao dịch là 1,2 tỷ USD sẽ chảy vào túi VPBank. Trong đó, về mặt kế toán, VPBank sẽ hạch toán lợi nhuận từ giao dịch này ở mức tầm 1,14 tỷ USD. Tức giao dịch thoái vốn này sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của VPBank trong năm 2021.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Lincoln (Anh), cho rằng định giá 2,8 tỷ USD đối với FE Credit có thể còn thấp bởi giá trị cộng hưởng mới là điều quan trọng.

Xét định giá kiểu đầu tư tài chính thông thường, ông Hào cho rằng với mức lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm khoảng 150 - 200 triệu USD thì mức định giá 2,8 tỷ USD cũng chỉ tương đương PE 14 - 18.6 lần, trong vùng định giá của thị trường chứng khoán, nên nó hoàn toàn hợp lý.

FiinGroup: FE Credit xứng đáng được định giá cao hơn so với các giao dịch bán các công ty tài chính trước đây - Ảnh 2.

TS. Quách Mạnh Hào. (Ảnh: Tạp chí Thương Trường).

"Tuy nhiên, với những thương vụ như thế này, kỳ vọng vào nguồn vốn huy động rẻ hơn thông qua đối tác là có thể. Nhật Bản vốn nổi tiếng là thị trường lãi suất thấp, còn mô hình tạo tiền kiểu tài chính tiêu dùng thì lại dựa trên chênh lệch lãi suất là chính, nên sự cộng hưởng này là rất ý nghĩa", ông Hào chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Vị tiến sĩ cho rằng quy mô huy động 50.000 tỷ theo báo cáo và chi phí 12% ở Việt nam, thì tính cả rủi ro tỷ giá, chỉ cần chi phí vốn giảm còn 4 - 5% thôi cũng đủ có thêm lợi nhuận bằng con số hiện tại.

"Đấy là chưa kể với sự xuất hiện của người Nhật vốn nổi tiếng kỹ tính trong quản trị, mô hình kinh doanh của FE Credit có thể sẽ trở nên “thân thiện” hơn trong con mắt người dùng và thị phần lại tiếp tục tăng. Kết hợp lại có thể định giá của FE Credit tiềm năng tăng gấp đôi lên 6 tỷ USD trong vài năm nhờ cộng hưởng cũng không lạ", theo ông Hào.

Lê Huy

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.