Mua vàng hay chờ giá bất động sản giảm?
Dòng tiền nhàn rỗi ngại rủi ro
Anh Tín, một nhà đầu tư bất động sản tại TP HCM sau một năm không tìm thấy cơ hội thích hợp để đầu tư cuối cùng đã quyết định dừng việc đầu tư. Thay vì trước đây, anh vừa là nhà đầu tư kết hợp môi giới, anh quyết định dừng đầu tư để trở về phát triển kinh doanh máy lọc nước tại công ty anh tham gia góp vốn.
Theo anh này chia sẻ, quyết định trên được đưa ra trong tình cảnh một năm qua, anh không tạo ra một dòng thu nhập ổn định khi thị trường bất động sản bắt đầu khó khăn từ cuối năm 2018. Đến khi đại dịch xuất hiện, mọi thứ trở nên khó khăn hơn, nhiều khoản đầu tư của anh không thể ra hàng cho đến thời điểm hiện tại.
Dù vậy, đại cũng khiến anh thay đổi suy nghĩ. Anh cho rằng, mình phải tạo ra thu nhập đều qua sản xuất kinh doanh, còn số tiền nhàn rỗi và tích luỹ được cứ để đầu tư ở mức vừa phải mà không phải dùng nhiều vốn vay.
Không chỉ riêng anh Tín, hiện rất nhiều nhà đầu tư khác đã tạm hoạt động đầu tư sau khi COVID-19 xuất hiện trở lại ở Việt Nam. Mặc dù trước đó vào tháng 6, các nhà đầu tư cũng đã khởi động lại kế hoạch tìm kiếm cơ hội trên thị trường bất động sản sau khi Việt Nam công bố không còn ca nhiễm mới trong đợt 1.
"Hai vợ chồng còn dư 1,5 tỉ đồng tiền mặt, mấy lần tính vay thêm một ít về Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu mua miếng đất vườn đầu tư nhưng chưa quyết định thì dịch lại đến nên ngưng lại. Giờ thấy sợ quá nên thôi chắc là để từ từ", chị Trang, một nhà đầu tư TP HCM chia sẻ.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng chia sẻ trên diễn đàn đầu tư mới đây, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, người dân đang dần thay đổi lối sống, tiêu dùng, khẩu vị rủi ro sau đại dịch, họ trở nên thận trọng hơn, tiền mặt được coi là vua nên nhà đầu tư sẽ trở nên đắn đo hơn đối với việc xuống tiền là tất yếu.
Ông Lực cho rằng, kênh đầu tư BĐS hiện đang gặp thách thức đến từ các kênh đầu tư khác. Trong thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn bất động sản. Trong đó, đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng đã có mức tăng hơn 30% kể từ đầu năm.
Giá vàng có mức tăng giá mạnh cũng khiến không ít nhà đầu tư nao núng. Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực mới đây, mặc dù vàng đã qua thời kì lướt sóng nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay cho biết vẫn sẵn sàng xuống tiền mua vàng vì tin rằng giá vàng sẽ còn tăng tiếp.
Dù vậy, theo ông Lực, ước tính khoảng 60,65% tiền của nhà đầu tư vẫn vào tiết kiệm. Kì vọng lạm phát 4% với lãi suất 6%, như vậy vẫn có lợi suất dương.
"Vàng đang ở đỉnh cao, nhưng chưa có khả năng giảm trong 2, 3 tháng tới"
Trong khi đó, người cầm vàng thì đang chờ bán ra. Như trường hợp của anh hải, một người lao động tại TP HCM cho biết, hai vợ chồng anh dành dụm được chục cây vàng, thấy giá vàng tăng mừng quá, mấy lần giục vợ đi bán, kiếm miếng đất nhỏ nhỏ đầu tư nhưng mỗi ngày thấy vàng cứ tăng nên cứ giữ lại. Tới bây giờ, anh Hải cũng chưa biết có nên bán hay chưa.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, người dân chỉ tăng tái phân bổ tiết kiệm vào vàng khi lo ngại tiền Việt mất giá và thường mua khi giá vàng ổn định. Còn hiện tại, giá vàng đạt 2.068 USD/ounce (phiên giao dịch ngày 7/8), vượt đỉnh cũ năm 2011 sau khi tăng dựng đứng trong vòng 1 năm qua.
Theo kinh nghiệm quá khứ thì khi mua ở đỉnh, dư địa tăng không còn nhiều, trong khi việc giá vàng quay đầu hoàn toàn có thể xảy ra...Trong vòng 4 tháng tới giá vàng có thể vẫn neo ở mức cao như hiện nay hoặc có thể tăng thêm. Sau đó, nhiều khả năng sẽ giảm. Như vậy, mua vàng lúc này là ở giá cao", ông Hiển nhận định.
TS Đinh Thế Hiển cho rằng, vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro, kinh tế bất ổn đẩy giá vàng lên còn khi ổn định thì giá vàng quay đầu giảm. Cho dù dịch COVID-19 còn, kinh tế vẫn phải tự đứng dậy đi lên, giá vàng không thể tăng lên mức quá cao trong một vài năm tới.
Theo đó, việc mua vàng lúc này không phải để tìm kiếm sự an toàn mà là mua trong bất ổn, bởi vàng có khả năng tăng hoặc giảm giá mạnh...Về dài hạn, lịch sử cho thấy giá vàng không thể lên mãi và 2.000 USD/ounce được xem là mức rất cao.
Bất động sản vẫn hấp dẫn nhưng phải chờ?
Đối với kênh đầu tư BĐS, theo thống kê của TS. Cấn Văn Lực, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tổng giá trị sang nhượng BĐS đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm trong khi giá cổ phiếu ngành giảm tới 16% so với đầu năm, là 1 trong 10 lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất (chỉ số VNIndex giảm 14% so với đầu năm).
Theo TS. Lực, thị trường BĐS dù khó khăn vẫn có cơ hội ở ba lĩnh vực liên quan như: Thứ nhất là cơ hội phát triển BĐS công nghiệp, thứ hai là logistics và thứ ba là nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng hơn vẫn rất cao.
TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng về dài hạn, mua BĐS vẫn có cơ hội tăng giá tốt. Nhưng trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng thị trường đang đứng trước rất nhiều áp lực, đặc biệt là rủi ro năng lực tài chính của các chủ đầu tư đã và đang có dấu hiệu suy yếu.
Theo ông Hiển, giai đoạn 2015-2019, giá bất động sản tại Việt Nam đã tăng nóng, trong khi không tài sản đầu tư nào cứ tăng mãi được. Do vậy, khi tăng đến một mức nào đó, giá bất động sản sẽ đi ngang hoặc quay đầu, gây ra suy thoái.
“Ở Việt Nam có thể không gặp suy thoái nhưng đóng băng bất động sản sẽ có. Bên cạnh việc giá bất động sản đã tăng quá cao trước đó, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến từ nay đến tháng 6/2021 không phải là triển vọng cho bất động sản”, ông Hiển nói.
"Nếu qua năm 2021, kinh tế ổn định trở lại, thị trường BĐS có thể lại khởi sắc", ông Hiển cho rằng, nên gửi tiết kiệm chờ mua đất.
Lựa chọn nào hợp lí?
"Theo quan sát của tôi, những người thành công trong việc đầu tư lướt sóng thì họ không bao giờ thấy hài lòng, dù họ đầu tư lời hơn nhiều người khác, bởi vì họ luôn thấy còn bỏ qua cơ hội lời hơn nữa; họ tuy thành công liên tiếp, nhưng rất dể "dính một cú" vì ham lợi nhuận cao", theo TS. Đinh Thế Hiển, rất khó đưa ra lời tư vấn với những người ưa khẩu vị rủi ro.
Dưới góc nhìn của TS. Đinh Thế Hiển, người "phong nhã" thì lấy thu nhập trong công việc, làm ăn là thu nhập chính, họ chuyên cần làm việc với nghề của họ; đầu tư thì tính đường dài, chủ yếu là lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng và tài sản đầu tư có triển vọng từ 3 - 5 năm trên cơ sở khoản đầu tư an toàn là tốt; chứ không chạy theo cơn sóng sốt lợi nhuận cao thời thượng...,
Với cách đầu tư như vậy, họ không tiếc rẻ đã bỏ qua cơ hội kiếm lời cao như cơn sốt vàng hiện nay, hay sóng chứng khoán đầu năm, hay đưa nhau xuống tiền vào khu vực đất đang nóng hừng hực...
"Bởi xét về số tiền thu được có thể ít hơn; nhưng xét trên chu kì 10 năm, thì họ vẫn kiếm lời tốt trong top 30% nhà đầu tư, và đặc biệt, họ có được số tiền trong niềm vui yên lành của cuộc sống gia đình, không bị cơn sóng làm giàu cuốn đi...", ông Hiển chia sẻ.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, trong cương vị nhà đầu tư, rót tiền vào đâu tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro. Có những nhà đầu tư sợ rủi ro thì tiết kiệm vẫn là kênh ưa thích. Còn nếu không thích rủi ro, có thể chia tiền ra mỗi chỗ một ít. Riêng với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, họ sẽ có lựa chọn đầu tư riêng.
"Phương châm của tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên đa dạng hóa và rủi ro. Nhiều nhà đầu tư thích lướt sóng và dùng đòn bẩy khá lớn, thậm chí vay cả tín dụng đen, khi thị trường đi xuống, chắc chắn sẽ lỗ vốn và phá sản", TS. Lực chia sẻ.