|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Một tỉnh vùng ven Hà Nội đang phát triển như đô thị vệ tinh, được kỳ vọng giúp Thủ đô 'nhẹ gánh' bất động sản những năm tới

08:20 | 03/04/2023
Chia sẻ
Những dự án hạ tầng trọng điểm đang đưa Hưng Yên ngày càng gần hơn với Hà Nội. Với nguồn cung dồi dào từ phân khúc nhà ở cho đến BĐS công nghiệp, địa phương này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ san sẻ gánh nặng về nguồn cung và nguồn cầu cho Hà Nội trong tương lai.

Một đoạn đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài đang xây dựng. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

3 tuyến đường đưa Hưng Yên gần hơn với Hà Nội

Hưng Yên là tỉnh cửa ngõ phía đông nam của Hà Nội. Địa phương này nằm ở tả ngạn sông Hồng, TP Hưng Yên cách trung tâm Thủ đô khoảng 40 km. Bên cạnh đó, Hưng Yên còn tiếp giáp với Bắc Ninh - một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước.

Để tăng khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, Hưng Yên dự kiến sẽ triển khai 106 dự án giao thông với tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án trọng điểm để rút ngắn khoảng cách với Hà Nội.

Đầu tiên là đường Vành đai 4 vùng Thủ đô gần 86.000 tỷ đồng, dự án này đã được Quốc hội thông qua, sẽ kết nối trực tiếp 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm với Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tiếp đến là dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 33 km, tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Đến nay, nhà thầu thi công đã nhận bàn giao 27/33 km mặt bằng.

(Ảnh: Hoàng Huy).

Thứ ba là dự án xây dựng đường nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giá trị xây lắp đến ngày 7/2 ước đạt hơn 231 tỷ đồng.

“Khi điều kiện hạ tầng phát triển, khoảng cách từ Hưng Yên đến Hà Nội sẽ tương đương với các đô thị vệ tinh", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhìn nhận.

Bên cạnh hạ tầng, Hưng Yên cũng sở hữu nhiều dư địa để có thể phát triển như một đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Theo nghiên cứu của Savills, Hưng Yên hiện sở hữu lực lượng lao động dồi dào, số dân trong độ tuổi lao động luôn chiếm hơn 50% tổng dân số toàn tỉnh (Giai đoạn 2017 - 2021); tỷ lệ đô thị hóa của địa phương này dự kiến sẽ đạt 48% vào năm 2025; các chỉ số kinh tế vĩ mô của Hưng Yên cũng ghi nhận tích cực.

Chưa kể, với những lợi thế về vị trí địa lý và tốc độ phát triển hạ tầng, Hưng Yên được giới chuyên gia dự báo sẽ trở thành một điểm nóng công nghiệp mới của khu vực phía bắc, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp đang khan hiếm trước làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Đón quỹ đất công nghiệp hàng trăm ha trong năm nay 

Theo Báo Hưng Yên, tính đến tháng 10/2022, Hưng Yên có 17 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 4.300 ha được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Trong đó, có 8 KCN với tổng diện tích hơn 2.200 ha đã đi vào hoạt động.

Nhu cầu đất công nghiệp của các nhà đầu tư vào Hưng Yên đang ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo Industrial Insider của Savills, tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN ở Hưng Yên đạt khoảng 77%. Các chỉ số sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, Hưng Yên nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư khi các dự án bất động sản công nghiệp tỉnh này chứng kiến nhiều chuyển động mới.

Ngày 14/3 vừa qua, Hưng Yên đã tổ chức khởi công KCN số 5 thuộc KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt. Dự án này có diện tích hơn 192 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động.

KCN số 5 có tổng mức đầu tư 2.385 tỷ đồng, sẽ tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp nhẹ. Dự án nằm giữa hai nút giao lên cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng), thuận lợi để vận chuyển hàng hóa đi Cảng Hải Phòng, cảng quốc tế Nội Bài, Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn.

Phối cảnh KCN số 5 vừa được khởi công tại Hưng Yên. (Ảnh: Yên Mỹ JSC).

Theo tìm hiểu của người viết, từ nay đến cuối năm, dự kiến có ít nhất 2 dự án công nghiệp sẽ được khởi công ở Hưng Yên.

Tại huyện Ân Thi, giai đoạn tháng 4 đến tháng 8, Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Quang Vinh Hưng Yên sẽ tiến hành san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án CCN Vân Du - Quang Vinh. Từ tháng 8/2023 dự kiến đưa dự án đi vào hoạt động, tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp.

Dự án này được thực hiện trên khu đất có diện tích 45 ha, thuộc địa bàn xã Vân Du và Quang Vinh, tổng mức đầu tư là 566 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 113 tỷ đồng. CCN sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngành điện, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, cơ khí may mặc, thủy tinh, nhựa,... và các dự án không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng trong quý II năm nay, tại huyện Yên Mỹ, CTCP Đầu tư và Phát triển Mitri dự kiến sẽ triển khai thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật CCN Đồng Than, quý III/2025 sẽ bắt đầu thu hút đầu tư.

CCN Đồng Than có quy mô gần 75 ha, thuộc địa bàn xã Đồng Than, tổng mức đầu tư khoảng 2.920 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 863 tỷ đồng. Tại dự án sẽ tập trung các ngành điện tử, ô tô, cơ khí, công nghiệp công nghệ cao, các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Ở diễn biến mới nhất, UBND tỉnh Hưng Yên liên tiếp ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch 2 CCN mới là CCN làng nghề Hòa Phong (55,5 ha) trên địa bàn xã Hoàng Phong, thị xã Mỹ Hào và CCN Dị Chế (20,4 ha) trên địa bàn huyện Tiên Lữ.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội, nhu cầu thuê nhà kho/nhà xưởng xây sẵn và đất công nghiệp ở khu vực miền bắc đang nở rộ, đặc biệt đến từ các ngành có giá trị gia tăng cao. Hưng Yên hiện có nhiều KCN đang hoạt động và sẽ có thêm các dự án mới ra mắt thị trường vào năm 2025.

"Gánh" cả cung và cầu nhà ở cho Hà Nội

Nguồn cầu nhà ở có xu hướng tăng tại Hưng Yên. Lý giải điều này, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho rằng có ba yếu tố.

Yếu tố thứ nhất đến từ việc mức giá nhà ở tại Thủ đô vẫn ở mức cao, đặc biệt là phân khúc thấp tầng, khiến việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội trở nên khó khăn hơn trước. Trong khi đó, mức giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ và biệt thự liền kề tại Hưng Yên đều thấp hơn Hà Nội lần lượt là 14% và 17%, từ đó thúc đẩy nguồn cầu hướng tới thị trường này.

Thứ hai, nhu cầu giãn dân khỏi khu vực trung tâm Hà Nội đang gia tăng khi mật độ dân cư khá đông đúc. Các đối tượng khách hàng cao tuổi không có nhu cầu đi lại nhiều đang dần quan tâm tới các dự án nhà ở tại Hưng Yên.

Cuối cùng, với vị trí địa lý tiếp giáp với Hà Nội, Hưng Yên có thể trở thành cầu nối giữa các tỉnh thành khác vào Thủ đô khi cơ sở hạ tầng phát triển. Ngoài ra, Hưng Yên cũng đang thu hút đầu tư vào các đại đô thị và chung cư, do đó có thể thu hút được nguồn cầu của người dân ở miền bắc muốn tìm nhà gần Hà Nội.

Hưng Yên được kỳ vọng giúp Hà Nội nhẹ gánh về nguồn cung và nguồn cầu nhà ở. (Ảnh minh hoạ: Savills).

Bên cạnh nguồn cầu, Hưng Yên cũng đang san sẻ gánh nặng về nguồn cung bất động sản cho Hà Nội.

Báo cáo công bố hồi tháng 3 vừa qua của Savills cho thấy, nguồn cung căn hộ của Hưng Yên đạt 18.600 căn hộ đến từ 30 dự án. Con số này tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 14% so với Bắc Ninh và cao hơn 11% so với Hà Nội.

Tương tự, nguồn cung biệt thự, nhà liền kề của Hưng Yên trong năm 2022 đã tăng 40% so với cùng kỳ, cao hơn 31% so với tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh và cao hơn 37% so với Hà Nội.

Nguồn cung dồi dào song giá bất động sản tại Hưng Yên lại tương đối hấp dẫn. Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ tại Hưng Yên đạt 41 triệu đồng/m2 và của biệt thự, liền kề là 149 triệu đồng/m2, lần lượt thấp hơn 14% và 17% so với Hà Nội.

Nói thêm về công nghiệp, sự phát triển của công nghiệp tại Hưng Yên cũng gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư. Nhờ vậy, phân khúc nhà ở xã hội tại địa phương này cũng được hưởng lợi. Dự kiến đến 2025, toàn tỉnh sẽ có 17.000 căn nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu cho công nhân các KCN.

Hoàng Huy