Một số tập đoàn đẩy giá heo lên cao là ‘có vấn đề’
Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính ngày 2/7 đã tổ chức Hội thảo Diễn biến thị trường gía cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn nhưng sẽ phức tạp hơn nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát.
Hai yếu tố bất ngờ
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính cho rằng, có 2 diễn biến bất ngờ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Thứ nhất, giá thịt heo không những không giảm mà còn tăng, có thời điểm lên mức hơn 100.000 đồng/kg. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm trong 6 tháng đầu năm tăng tới 14,28% so với cùng kì năm trước, từ đó gây áp lực lên chỉ số CPI tổng thể.
Theo tính toán, giá thịt heo tăng 68,2% đã khiến CPI tổng thể tăng 2,86%.
Thứ hai, do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giá dầu (WTI) trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 57 USD/thùng trong quý IV/2019 xuống còn 27 USD/thùng trong quý II/2020.
Việc giá xăng dầu giảm mạnh đã khiến chỉ số giá giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm nay. Vì thế, theo TS. Nguyễn Đức Độ, đã cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt heo bị neo ở mức cao.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, dẫu có những yếu tố đan xen, CPI những tháng đầu năm 2020 vẫn tăng ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây với 4,19% so với cùng kì năm trước. Đây là mức tăng cao hơn so với mục tiêu 4% được đề ra trước đó.
“Dù có yếu tố tác động tăng, giảm tới CPI nhưng hàng loạt yếu tố vẫn tác động kéo CPI tăng như lương thực tăng 3,38%, đồ uống thuốc lá tăng 1,7%, các loại quần áo may sẵn tăng 0,93%. Ngoài ra, trong tháng 6/2020, CPI còn bị tác động mạnh do giá xăng dầu bật tăng tới nhiều lần sau chuỗi giảm sâu kéo dài”, chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Lạm phát sẽ dưới 4%?
Dự báo về việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2020, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng áp lực sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây, do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đòn Covid-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động. Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại chưa từng thấy đẩy giá heo trong nước lên cao.
“Giá thịt heo vẫn cao. Giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lại. Dự báo sách giáo khoa tăng 2,5 - 3 lần. Các chính sách kích cầu và hỗ trợ hồi phục nền kinh tế sau COVID-19 là những yếu tố tác động đến nỗ lực kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2020”, PGS. TS. Ngô Trí Long cảnh báo.
Mặc dù áp lực kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm là rất thách thức song TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng. “Điều này hoàn toàn khả thi bởi áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Cụ thể, do kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối 2020 nên giá dầu khó tăng mạnh. Nhiều khả năng giá dầu WTI sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng trong thời gian tới nếu dịch bệnh COVID-19 được các nước khống chế thành công.
Đặc biệt, giá thịt heo cho dù có thể không giảm mạnh như mong đợi nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới khi Chính phủ cho phép nhập khẩu heo sống, lợn giống đồng thời với việc đẩy mạnh tái đàn.
“Trên có sở đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát trung bình năm 2020 sẽ xoay quanh mức 3,5% (+/- 0,5%) như đã đưa ra từ đầu năm nay”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Có hiện tượng phải nộp tiền chênh lệch 20.000 đồng/kg
Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng chính sách tổng hợp, Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính), để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lí, điều hành, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2020 cần thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Bộ Tài chính cần chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%”, ông Nguyễn Xuân Định nói.
Còn theo kiến nghị của PGS.TS Ngô Trí Long, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kì vọng hay tạo ra độ trễ của lạm phát trong những năm sau. Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý, định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính.
Một cách thẳng thắn, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội, cho rằng muốn kiểm soát CPI phải kiểm soát được đà tăng giá của thịt heo, yếu tố đóng góp lớn vào mức tăng chung của CPI.
Ở góc độ phân phối, ông Vũ Vinh Phú thấy rằng việc giá thịt heo hơi bị đẩy cao trong những tháng qua của một số tập đoàn là có vấn đề.
“Đã có câu chuyện bán hàng của các công ty chăn nuôi cho các công ty liên kết của mình mà không bán thẳng cho lò giết mổ, hoặc hiện tượng phải nộp tiền chênh lệch từ 15.000 -20.000 đồng/kg heo hơi mới được bắt heo cho cán bộ nghiệp vụ công ty chăn nuôi”, ông Vũ Vinh Phú nêu.