Một số ngân hàng nâng lãi suất huy động chạm mốc 10%/năm
Cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng lại tiếp tục khi mức lãi suất 10% đã xuất hiện tại một số ngân hàng.
Tại VPBank, mức lãi suất 10%/năm được ngân hàng áp dụng tại sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings, áp dụng từ 22/11. Trong đó với lãi suất tháng đầu tiên tại kỳ hạn từ 6-36 tháng, lãi suất được niêm yết vượt mức 10%, thậm chí lãi suất còn lên đến 11%/năm ở kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất hiện được niêm yết tại ngân hàng.
Đối với lãi suất các tháng sau, lãi suất cao nhất tại sản phẩm này là 9,25%/năm tại kỳ hạn 36 tháng.
Mới đây, GPBank cũng đã thông báo áp dụng mức lãi suất tiết kiệm lên đến 10%/năm. Ghi nhận tại phòng giao dịch, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng với sô tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên được áp dụng mức lãi suất là 9,95%/năm. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài và số tiền gửi lớn, ngân hàng tri ân khách hàng với mức lãi suất được áp dụng là 10%/năm.
Ngoài ra, trên biểu lãi suất tiết kiệm điện tử tại GPBank, ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,6%/năm tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Đây là mức lãi suất cao nhất được ngân hàng áp dụng khi gửi tiết kiệm điện tử.
Cũng tại tiết kiệm kênh online, mức lãi suất cao nhất của VPBank tại kênh tiết kiệm này là 9,4%/năm tại kỳ hạn từ 18 tháng khi gửi tiền từ 10 tỷ đồng trở lên. Tại quầy, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,3%/năm khi gửi từ 10 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn từ 18 tháng.
Trước đó, NCB cũng áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Nam A Bank cũng áp dụng mức lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên sau đó các ngân hàng này đều đã ngưng áp dụng các mức lãi suất này
Một ngân hàng khác là KienlongBank mới đây đã thông báo điều chỉnh lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,6%/năm. Cụ thể, mức lãi suất 9,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng khi gửi tiền tiết kiệm theo hình thức trực tuyến. Đây là mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng cũng tăng lãi suất lên mức 9,1%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng 0,6%/năm lên 9,5%/năm. Đối với các kỳ hạn dài, từ 24 - 36 tháng, lãi suất đươc niêm yết ở mức 9,2%/năm.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup,dự báo lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong năm 2023 sẽ ở mức xấp xỉ 10%, lãi suất cho vay cũng khó duy trì ở mặt bằng hiện tại mà sẽ nhấc dần lên.
Lý giải về dự báo trên, ông Báu cho hay, khi Fed duy trì mức lãi suất 5-5,5% thì chắc chắn lãi suất qua đêm liên ngân hàng của Việt Nam có lẽ sẽ không thể thấp hơn mức 5,5% mà ở vào khoảng 7-8% thay vì mức 6-7% như thời điểm hiện tại.
Lãi suất điều hành cũng sẽ giao động trong khoảng 5,5 - 7%. Một điểm đáng chú ý, là biên độ lãi suất giữa trần và sàn hiện đang khá hẹp, NHNN liên tục phải bơm – hút ròng.
"Từ nay đến cuối năm vẫn sẽ có một đợt tăng lãi suất từ 0,5-1% nhằm đưa lãi suất chính sách về trạng thái ổn định sau đó giữ ở mức cao trong năm 2023", CEO WiGroup dự báo.