Một số dự án khó khăn trong trả nợ vay vốn nước ngoài
Theo báo cáo của Chính phủ, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực chung và quyết tâm cao của các ngành, các cấp, chỉ trong một thời gian ngắn thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết và quyết định, điển hình là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có tác động lan toả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả đáng khích lệ
Các Bộ, ngành và địa phương đã tiến hành việc rà soát, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật, triển khai xây dựng chiến lược huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước nguồn vốn vay nước ngoài thông qua việc hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá ở các ngành, các cấp, góp phần uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, sai phạm và đảm bảo hiệu quả của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nói trên, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả đáng khích lệ: Hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, các chỉ tiêu nợ công năm 2018 thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ và báo cáo Quốc hội số 46/BC-CP ngày 19/10/2018 của Chính phủ.
Các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch giao.
Một số dự án đã ký kết song nhưng chưa được các Bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong việc trả nợ.