|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Một quả trứng vào siêu thị phải chịu 14 loại phí’

13:05 | 29/12/2016
Chia sẻ
“Chỉ cách 60 – 70 km nhưng khi sản phẩm nông nghiệp đến Hà Nội sẽ bị đội giá lên gấp 3 – 4 lần. Ví dụ, một quả trứng gà Ai Cập đi từ trang trại vào siêu thị phải chịu đến 14 loại phí khác nhau”, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội.

Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 2016 và dự báo 2017” diễn ra sáng 29/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú kiến nghị, Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến hệ thống phân phối bởi giá cả hiện nay tuy ổn định nhưng cao vô lý, cần xác định nhiệm vụ hiện nay là kéo giá xuống chứ không phải ổn định giá.

mot qua trung vao sieu thi phai chiu 14 loai phi
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay nhà phân phối đang hưởng đến 70% lãi trên một sản phẩm hàng hóa (ảnh: Linh Lê)

Ông Phú giải thích, chỉ cách các vùng sản xuất 60 – 70 km nhưng khi sản phẩm nông nghiệp đến Hà Nội sẽ bị đội giá lên gấp 3 – 4 lần. Hiện các nhà phân phối lãi hơn nhà sản xuất rất nhiều bởi một quả trứng gà Ai Cập đi từ trang trại vào siêu thị phải chịu đến 14 loại phí khác nhau.

Vì vậy, việc xây dựng luật bán lẻ là cần thiết. Như ở Thái Lan, 1 kg đường bán ra thì quy định nhà sản xuất phải được hưởng đến 70% lãi, còn tất cả các khâu bán buôn bán lẻ chỉ nhận 30% lãi. Các nhà thương mại có tâm cũng nên lãnh vai trò cần “ăng ten”, thu mua hàng tận gốc và ít qua trung gian, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đề xuất.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đi tiên phong như Vingroup đã tổ chức hàng trăm nghìn điểm bán lẻ trong 2 - 3 năm nay, giảm 1 năm chiết khấu cho nhà cung ứng, giá cả hàng hóa vì vậy cũng giảm. Ngược lại, một số siêu thị khác lại ép chiết khấu nhà cung ứng lên đến 20 - 30%.

Mặt khác, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng (bánh kẹo, gia vị…) quá nhiều, trong khi các mặt hàng lương thực thực phẩm tươi sống lại khan hiếm trong siêu thị.

“Mặc dù Hà Nội công bố chi 20.500 tỷ đồng và TP HCM chi 17.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết nhưng thực tế chỉ quản lý được 30% quỹ thôi, 70% còn lại địa phương nắm. Tức là, phần lớn quyền quyết định giá thịt thuộc về các chủ sạp hàng ngoài chợ. Minh chứng là Tết Bính Thân 2016, Chính Phủ công bố có 32.000 tấn rau phục vụ Tết nhưng giá cà chua lại tăng lên đến 4 lần”, ông Phú phân tích.

Ông dự đoán, cận Tết, các mặt hàng gà ta, giò không lạnh, thủy hải sản tươi sống và cao cấp… sẽ tăng giá đến 20 – 30% vì thời điểm đó siêu thị không thể có các mặt hàng này.

“Gần đây, khởi nghiệp cá nhân về hàng chất lượng cao, nông sản sạch phát triển rất mạnh, mỗi tuần Hà Nội có hàng chục cửa hàng mới mở. Nguồn hàng nước ngoài đổ vào cũng góp phần làm nguồn cung cho bán lẻ dồi dào. Năm 2017, giá cả hàng hóa sẽ không biến động nhiều, chỉ có một số mặt hàng cần lưu ý”, ông Phú nhận định.

Với chủ đề chính về thị trường, giá cả, Hội thảo cũng là dịp các chuyên gia đưa ra nhận định về chỉ số giá tiêu dùng. Theo đó, các chuyên gia cho rằng mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2017 nhỏ hơn 4% như Quốc Hội đặt ra là có thể đạt được nhưng rất khó khăn.

Linh Lê