Một doanh nghiệp muốn rót vốn vào hai nhà máy điện gió tại Quảng Trị, cổ phiếu tăng gấp đôi trong một tháng
Ngày 1/12, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (Mã: PTC) vừa công bố nghị quyết góp vốn vào hai công ty điện gió là CTCP Điện gió Hướng Linh 7 và CTCP Hướng Linh 8.
Cụ thể, công ty dự định mua 5,56 triệu cổ phần của Hướng Linh 7 với giá 11.000 đồng/cp và hơn 10,38 triệu cổ phần của Hướng Linh 8 với giá 16.000 đồng/cp. Theo báo cáo tài chính quý III, PTC nắm 20% vốn tại Hướng Linh 7.
Phương thức giao dịch theo thỏa thuận hoặc các giao dịch hợp pháp khác. Ước tính công ty sẽ chi khoảng 227,24 tỷ đồng để thực hiện thương vụ trên.
Nguồn vốn đầu tư lấy từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh hiện tại hoặc tiền vay từ các tổ chức tài chính và nguồn khác. Trước đó không lâu, PTC đã có quyết định bán 1,7 triệu cp trong tổng hơn 1,81 triệu cp quỹ với giá tối thiểu 15.000 đồng/cp. Trong khi giá vốn thể hiện trên báo cáo tài chính quý III chưa tới 6.100 đồng/cp.
Cùng ngày 1/12 HĐQT cũng có quyết định thế chấp tài sản và phần vốn góp của PTC tại hai công ty điện gió nói trên cho Ngân hàng BIDV nhằm đảm bảo cho khoản vay thực hiện hai dự án điện gió cùng tên.
Nói thêm, đây là hai nhà máy nằm tại trung tâm điện gió thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hướng Linh 7 và Hướng Linh 8 là hai trong 16 nhà máy điện gió ở Quảng Trị vừa được công nhận vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT.
Dư án điện gió Hướng Linh 7 có công suất 30 MW với tổng mức đầu tư 1.183 tỷ đồng. Còn dự án điện gió Hướng Linh 8 có công suất 25,2 MW với tổng đầu tư 975 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, PTC thành lập từ năm 1976, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp bưu chính viễn thông, và cũng từng là thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT). Qua thời gian, PTC lấn sân qua bất động sản, đầu tư tài chính và thương mại.
Hoạt động kinh doanh qua các năm của PTC không mấy nổi bật với lợi nhuận năm cao nhất là 17 tỷ đồng, có năm thua lỗ gần 48 tỷ đồng.
Theo báo cáo của HĐQT, năm 2021 sẽ là năm tái cấu trúc của công ty, khi lĩnh vực xây lắp, thương mại và dịch vụ sẽ không còn thực hiện, chỉ tập trung thu hồi các khoản công nợ cũ. Công ty sẽ xác định ngành nghề thế mạnh là đầu tư tài chính và sẽ tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng, tăng trưởng mạnh để đầu tư ngắn và dài hạn.
Ngoài ra, cuối năm 2020, công ty công bố không còn sở hữu công ty con khi đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện I.
9 tháng đầu năm nay, PTC không có doanh thu, hoạt động đầu tư tài chính là nguồn thu cho công ty với hơn 6 tỷ đồng. Chi phí lãi vay và quản lý đã ăn mòn khiến lợi nhuận sau thuế còn 53 triệu đồng.
Tháng trước, công ty cũng có quyết định xử lý dứt điểm các khoản công nợ chốt tại ngày 31/12/2020. Cùng với việc bán cổ phiếu quỹ và mục tiêu rót vốn vào hai công ty điện gió, PTC đang cho thấy những chuyển động mới trong mảng năng lượng tái tạo - lĩnh vực đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ.
Trên thị trường, kể từ đầu tháng 11, cổ phiếu PTC bắt đầu có thanh khoản và tăng trần 8 phiên liên tiếp từ vùng giá 11.000 đồng/cp lên vùng 34.000 đồng/cp và điều chỉnh về 31.850 đồng/cp chốt phiên 2/12.